Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, với nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, đã và đang tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một hình thức kinh doanh phổ biến và trở thành xu hướng mang tính thời đại. Công cuộc chuyển đổi số tại địa phương, xu hướng tiêu dùng của những “công dân số” cũng đang thúc đẩy TMĐT phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, TMĐT hiện đang là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dẫn dắt chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Điều này có thể thấy rõ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, lĩnh vực TMĐT vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế của cả nước, cũng như tại địa phương. TMĐT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định; tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Theo số liệu thống kê, năm 2023, doanh thu của TMĐT tại Việt Nam đạt mức 20,5 tỷ USD; số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến khoảng trên 50 triệu người… Còn tại Bình Dương, lĩnh vực TMĐT cũng đang từng bước trở thành một trụ cột, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, TMĐT đã và đang mang đến rất nhiều lợi ích, như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết giảm tối đa chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh, thúc đẩy dòng vốn tuần hoàn…
Để TMĐT phát triển, thực sự trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, thời gian qua ngành công thương đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT, giúp doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa qua TMĐT và tạo thói quen mua sắm qua TMĐT đối với người tiêu dùng… Tại Bình Dương, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, đặc biệt là phát triển các hạ tầng số, hạ tầng TMĐT. Điều này sẽ tạo điều kiện để TMĐT tiếp tục vươn lên dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế số hiện nay.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, cùng với sự phát triển của TMĐT, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này cũng còn bộc lộ những hạn chế, nhất là vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT. Do đó, để TMĐT phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát để bảo vệ quyền lợi và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
ĐÀM THANH