Cầm tờ báo Bình Dương số ra ngày thứ sáu 5-3 trên tay, đang đọc, bỗng chị tôi bật khóc. Trước sự ngạc nhiên của tôi, chị cố nén xúc động: “Nhìn những đứa trẻ bụ bẫm thế này, đã sớm chịu cảnh mồ côi, chị không chịu được. Thương quá các cháu, nhất là cháu Nguyễn Vô Danh, cái tên đã nói lên rất nhiều điều và sẽ là nỗi mặc cảm lớn lao của cháu sau này”. Chị thở dài và đưa cho tôi tờ báo, ở trang 13 mục “Thông báo tìm người thân” đã đăng thông tin và hình chân dung 4 cháu bé bị bỏ rơi.
Thỉnh thoảng trên báo, đài vẫn xuất hiện nhiều thông tin như trên. Riêng tại Bình Dương, các trung tâm bảo trợ xã hội, các tổ chức từ thiện như Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Nhà tình thương Tổ đoàn kết Thuận An, Trung tâm Nhân đạo Quê Hương... đã phải thường xuyên tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi như vậy. Có trực tiếp đến những địa điểm trên mới thấy hết sự đau lòng đến xót xa trước những trẻ thơ bất hạnh như vậy. Có bé được bỏ trong thùng các tông, có bé gói kín trong khăn bỏ gần lùm cây, hàng rào trước cổng các trung tâm giàu lòng nhân ái ấy...
Tôi hiểu nỗi thở dài của chị. Bởi làm sao để hạn chế nạn trẻ bị bỏ rơi vẫn còn là nỗi nhức nhối của xã hội? Khi mà lối sống thoáng, cởi mở đang xuất hiện trong giới trẻ, một số giá trị truyền thống đang bị xem nhẹ ở một bộ phận thanh niên; tình trạng yêu sớm trong giới tuổi teen đang xuất hiện khá phổ biến. Cũng từ đó, không ít trẻ đã lâm vào cảnh “chuối non vú ép chát ngầm”. Ngày nay, ra đường, người ta thấy những chị em ăn mặc rất “hot”, nhất là tuổi teen, nhiều em xem đấy là một cách để thực hiện chiêu “xấu che, tốt khoe”, “chơi nổi”, để thu hút “ong” và hệ quả không ít em đã vướng phải cảnh hoa “héo” khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”. Chưa kể những tranh ảnh, phim đĩa tươi mát khiêu dâm ngày ngày xuất hiện tràn lan trên mạng, mà người ta muốn tìm hiểu khám phá chỉ cần một cái click chuột... Không thể không kể đến những trường hợp chị em là công nhân, những cô thôn nữ... vì nhẹ dạ cả tin vào những lời đường mật của những gã họ Sở hoặc lâm vào hoàn cảnh éo le không lối thoát. Khi mà, họ đứng trước sự chọn lựa giữa tình mẫu tử và tiếng đời thị phi. Và họ buộc phải xem tình mẫu tử nhẹ hơn vì không thể vượt qua được sự dị nghị của người đời... Chúng ta rất hiểu nỗi đau, nỗi khổ tâm của những người mẹ buộc phải trút bỏ núm ruột của mình. Dẫu biết rằng hành vi đó là việc chẳng đặng đừng nhưng người đời cũng không dễ tha thứ cho chuyện bỏ con, phủ nhận vai trò làm cha, làm mẹ của họ. Vì thế, mỗi việc làm của mình, người ta thường nhắc là luôn phải nghĩ tới hậu quả...
Khi nói đến những giải pháp, việc tăng cường công tác tuyên truyền luôn được đề ra hàng đầu. Đặc biệt, chú ý đến công tác giáo dục sinh sản đối với trẻ vị thành niên, việc tăng cường công tác này ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cũng đang được đặt ra là làm gì để xây dựng một lối sống hài hòa giữa hiện đại và truyền thống?
ĐÔNG PHONG