Những năm trước đây, khái niệm “hàng hiệu” vốn dĩ còn xa lạ với nhiều người, đối với họ thì “xài hàng hiệu” xem như là xa xỉ; bởi giá cả của hàng hiệu rất cao khi đem so với thu nhập thực tế của đại bộ phận người dân. Nhưng nay thì đã khác, nền kinh tế phát triển, đất nước mở rộng giao lưu, doanh nhân nước ngoài tìm vào đầu tư, mức sống của một bộ phận dân cư khá lên, giàu có... cũng đã xuất hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp, có tiếng tăm trên thị trường thế giới. “Hàng hiệu” đồng nghĩa với hàng “xịn”, hàng có đẳng cấp, có chất lượng “trên cả tuyệt vời”! Thói quen “xài hàng hiệu” đã dần hình thành tính cách cho một số người, với tâm lý khát khao, sẵn sàng bay ra nước ngoài để mua sắm đồ hiệu, thỏa mãn cho “gu” sành điệu mà chẳng nề hà công sức và chi phí. Nắm bắt nhu cầu thực tế xã hội, thị trường hàng cao cấp ở Việt Nam cũng đã hình thành, đáp ứng phần nào nhu cầu cho những người “sính” hàng hiệu, có khả năng thanh toán để được sử dụng sản phẩm có giá trị: xe máy, quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, điện thoại, thắt lưng... đúng mốt, hợp thời trang. Trong chừng mực nào đó, “hàng hiệu” đã góp phần chứng tỏ đẳng cấp bản thân, vị trí xã hội, là người thành đạt. Chính cái giá trị vô hình của sản phẩm khiến cho người xài hàng hiệu có phong cách tự tin, lịch lãm vì thế đã trở nên hấp dẫn, thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ cá nhân.
So với “hàng hiệu” quốc tế, các thương hiệu cao cấp Việt của chúng ta tất nhiên chưa thể sánh bằng, cho dù sản phẩm hàng hóa Việt đã cố gắng định vị ở phân khúc khách hàng cao cấp, song vẫn còn rất nhiều khoảng cách. Trước sự đổ bộ của những nhãn hiệu có đẳng cấp quốc tế, đại đa số người dân còn tiếp cận với thái độ dè dặt; trung thành với hàng hóa thương hiệu Việt, vì xem ra phù hợp với điều kiện kinh tế. Họ chọn cách “hiệu hóa” sở thích của mình hơn là quan tâm đến dáng vẻ, hình thức bề ngoài. Từ áo quần, cà vạt, ví da, giày dép... chưa nhất thiết “hàng hiệu”, chỉ là hàng Việt Nam chất lượng cao mà họ đã tín nhiệm. Đối với họ, ăn mặc cần đơn giản, tinh tươm mà lịch sự là được, họ quan tâm đến sở thích cá nhân và sẵn sàng “hiệu hóa” sở thích của mình bằng sản phẩm “made in Việt Nam”.
THANH NHÀN