Tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh
(BDO) *Đề nghị doanh nghiệp bố trí từ 20% đến 50% công nhân ở lại nơi làm việc
Ngày 1-7, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn số 2496/UBND-VX hỏa tốc gửi các địa phương yêu cầu về việc thực hiện biện pháp bổ sung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bình Dương tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng cho 1 triệu dân ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác xét nghiệm theo đề xuất của Bộ Y tế về việc đề xuất các biện pháp bổ sung công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo liên quan của Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh, nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Công văn yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc dừng các hoạt động không thiết yếu theo Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND tỉnh, đặc biệt quan tâm quản lý thật chặt các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như: Quán ăn, nhà máy, công xưởng, chợ tự phát..; đồng thời yêu cầu người dân, nhất là công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp hạn chế di chuyển ra khỏi nơi ở, nơi làm việc và chỉ di chuyển ra khỏi địa bàn khi thật sự cần thiết. Riêng đối với các địa bàn ở khu vực phía Bắc của tỉnh gồm: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo nơi chưa ghi nhận các ca mắc Covid-19, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục bám sát các quy định phòng, chống dịch và dự báo tình hình nguy cơ phát sinh dịch để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp nhằm giữ vững, ngăn chặn dịch lây lan từ các địa phương ở khu vực phía Nam của tỉnh và các địa phương vào địa bàn mình quản lý.
Công văn yêu cầu các địa phương khu vực phía Nam gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát tiếp tục xiết chặt quản lý theo Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh. Công văn cũng giao Sở Y tế tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; giao Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai từ 20% đến 50% công nhân ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp để bảo đảm an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi có ca F0 trong doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tự triển khai test nhanh Covid-19 cho công nhân lao động, trong đó giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn thí điểm cho các doanh nghiệp, đồng thời xem xét bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tự trả phí test nhanh và xét nghiệm cho người lao động mỗi tuần 1 lần trong thời gian có dịch.
Công văn giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác xét nghiệm theo phương châm “4 tại chỗ”, chú ý công tác tổ chức xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu gộp từng nhóm với tần suất, quy mô phù hợp với từng khu vực, từng thời điểm, đặc biệt chú ý lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực đông người như: Cơ sở y tế, chợ, bến xe..; triển khai việc xét nghiệm trên diện rộng cho khoảng 1 triệu người dân trên địa bàn tỉnh.
Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan đưa vào hoạt động ngay cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 200 giường; đồng thời khẩn trương đề xuất mở rộng thêm cơ sở điều trị tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị lên quy mô 1.000 giường.
Tin, ảnh: Minh Duy