Tiết giảm điện - cần khoa học hơn

Cập nhật: 13-05-2010 | 00:00:00

Tại cuộc họp trực tuyến do Bộ Công Thương vừa tổ chức, tình hình cắt điện tràn lan, thiếu khoa học vẫn là nội dung “nóng” được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo thống kê nhanh, có một số địa phương (trong đó có Bình Dương), tỷ lệ tiết giảm điện đã vượt khỏi con số 6% như báo cáo ban đầu. Thậm chí, có nơi tỷ lệ tiết giảm điện lên tới 18 - 20% và do điện phải ưu tiên cho sản xuất và công sở nên lịch cắt điện ở nông thôn của địa phương này lên tới 7 ngày trong tuần!

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù được ưu tiên cung cấp điện nhưng ngay chính các doanh nghiệp cũng bức xúc vì... thiếu điện. Lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) sản xuất giày ở Bình Dương cũng đồng thời là lãnh đạo Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, việc cắt điện triền miên đã đẩy DN da giày vào thế khó vì hiện nay đang là thời điểm có nhiều đơn đặt hàng, rất thuận lợi để ngành da giày Việt Nam phát triển mạnh ra thị trường thế giới, do vậy nếu cắt giảm điện kéo dài chắc chắn DN sẽ mất đi “cơ hội vàng” này.

Điểm đáng lưu ý qua hội nghị trên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã thừa nhận: “Việc cắt điện không phải do ý muốn mà là do công tác điều hành chưa tốt, do vậy không để chỗ này nhiều điện chỗ khác thiếu điện”. Điều này cho thấy những bức xúc của DN và người dân xung quanh việc tiết giảm điện trong thời gian qua là có cơ sở. Vì vậy, để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội thì ngành điện phải xem lại công tác điều hành của mình, cả về mặt trước mắt lẫn lâu dài. Với tư cách là người bán hàng - người phục vụ “thượng đế”, trước hết ngành điện có trách nhiệm tìm cách bảo đảm nguồn điện phục vụ tốt nhất có thể. Thủy điện có ưu điểm là tận dụng được lợi thế thiên nhiên, tuy nhiên vào mùa khô hạn như hiện nay đã bộc lộ điểm yếu. Dự báo khô hạn còn kéo dài và có khả năng tái diễn, do vậy cần sớm có nguồn điện khác từ năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân... để thay thế. Mặt khác, nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để bảo đảm lợi ích kinh tế đất nước ít tổn thất nhất, khi cần thiết ngành điện cũng phải huy động các nguồn điện với giá cao để phục vụ. Bởi, khi ngành điện cắt điện thì DN, người dân vẫn phải chạy máy phát điện để duy trì sản xuất và các hoạt động thường nhật khác, xem ra chi phí còn tốn kém nhiều hơn và chính “thượng đế” là người chịu thiệt. Đây là sự thiếu công bằng mà ngành điện phải quan tâm vì “thượng đế” chẳng mấy ai dám không móc hầu bao trả tiền điện hàng tháng đầy đủ cho ngành điện.

Mỗi người, mỗi nhà cần nêu cao tinh thần tiết kiệm điện để chung tay giảm bớt áp lực thiếu hụt về điện trong mùa khô hạn, đây là sự chia sẻ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn ở ngành điện - bên cạnh việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, cũng cần xây dựng chiến lược tiết kiệm điện, thực hiện một cách thường xuyên, khoa học và công bằng đủ để tác động đến tập quán người dân vì nếu chỉ tính toán nhất thời, thiếu chuẩn bị kỹ sẽ dễ dẫn tới sự bức xúc như vừa qua.

L.M.TÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên