Ngày 16-3, báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 đã chính thức công bố, trên cơ sở thể hiện quan điểm của 7.300 doanh nghiệp dân doanh tham gia khảo sát. Bình Dương dù có 3 năm liên tục đứng đầu danh sách PCI (2005-2007); đứng nhì 2 năm (2008-2009) nhưng nay đã tụt hạng, lần đầu tiên rời khỏi tốp “rất tốt”, xuống vị trí thứ 5 là vấn đề đáng suy nghĩ, cần tìm cách cải thiện, tăng cường năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách thủ tục hành chánh của chính quyền các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đặc biệt đây là một căn cứ tham khảo quan trọng trong việc hoạch định chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư... tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Mục đích cuộc điều tra này nhằm giúp các địa phương nhận biết những tồn tại cần khắc phục, sự tín nhiệm của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương mà sửa đổi, tìm cách nâng cao năng lực quản trị, điều hành kinh tế của mình.
Cũng có thể vẫn chưa thật toàn diện, song kết quả này đã tiến hành công phu, khảo sát rộng nên đã tạo những hiệu ứng xã hội đặc biệt; vì vậy nhất thiết phải thật sự cầu thị - xem như là một chẩn đoán sức khỏe về môi trường kinh doanh đáng tin cậy để thúc đẩy cải cách. Cái quan trọng không phải là thứ hạng trong PCI mà là cách tự soi rọi, cách khắc phục điểm yếu, nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh ra sao?
Nhằm tạo bước phát triển mới cho kinh tế rất cần tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao, muốn vậy phải quan tâm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế bằng sự tăng cường lãnh đạo từ trên xuống trong việc cam kết đối phó với những thách thức về cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính, chống tham nhũng và phát triển nguồn nhân lực...; bảo đảm hướng đến lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả PCI 2010 cho thấy “chất lượng điều hành đang có xu hướng thấp đi. Điều đáng băn khoăn là chi phí gia nhập thị trường, khả năng tiếp cận đất đai; đặc biệt là tính minh bạch giảm mạnh là chỉ báo đáng lo ngại về chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh”... Bình Dương đã đạt điểm cao ở các lĩnh vực: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí không chính thức, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước... đó là điều đáng mừng. Vấn đề tiếp theo là cần lưu tâm cải thiện về: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tin chắc tỉnh nhà sẽ “lấy lại phong độ”, vươn lên nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bền vững.
Xem ra PCI còn là cảm nhận của các doanh nghiệp về yếu tố “nhân hòa”, rất coi trọng sự thân thiện của cán bộ, công chức cũng như tính năng động của địa phương trong việc quản lý, điều hành kinh tế; thiết nghĩ cũng nên bổ sung đội ngũ cán bộ thực sự có trình độ, năng động, dám làm dám chịu trách nhiệm; giám sát và mạnh tay xử lý số cán bộ lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu doanh nghiệp.
THANH NHÀN