Tìm hướng ra bền vững cho nghề chăn nuôi bò sữa- Kỳ 2

Cập nhật: 05-03-2016 | 10:20:46

Kỳ 2: Nâng cao chất lượng đàn bò sữa

Tại tỉnh Bình Dương hiện đang có mặt hầu hết các tên tuổi sản xuất sữa lớn như Dutch Lady, NutiFood, Vinamilk.. Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng ưu thế này, tỉnh Bình Dương cần cải thiện nhanh chất lượng đàn bò hiện nay.  

Đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Đường Bình Dương. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Nhất giống, nhì chăm…

Số lượng đàn bò sữa tại Bình Dương hiện mới có gần 2.800 con, chưa đủ điều kiện trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các nhà máy sản xuất sữa. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, đối với bò sữa, không phải cho ăn cỏ rồi chờ tới ngày vắt sữa, mà quan trọng nhất là chất lượng bò giống. Hiện nay, việc tỉnh nhà chưa có đơn vị cung cấp giống chất lượng cho bà con nông dân đã khiến nhiều hộ chăn nuôi mua phải bò giống “dỏm” trên thị trường. Bên cạnh đó, chăm sóc đúng kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng, vì nó vừa bảo đảm vệ sinh nguồn sữa vừa đáp ứng nhu cầu điều kiện dinh dưỡng của sữa bò nguyên chất. Theo ông Cường, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh còn chưa quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc và vắt sữa nên dễ dẫn đến tình trạng viêm tuyến vú và tuyến sinh dục của bò sữa.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại năng suất cho sữa của đàn bò sữa trong tỉnh còn rất thấp, bình quân chỉ đạt 10 - 15 lít/ ngày. Trong thời gian tới, năng suất cho sữa cần phải được nâng lên trên 20 lít/ngày thì người nông dân mới thực sự làm giàu trên đàn bò nuôi của mình.

Cần sự nỗ lực từ các bên

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, tỉnh nhà đã thu hút được nhiều nhà đầu tư phát triển đàn bò sữa, trong đó Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đang thực hiện mô hình nuôi bò công nghệ cao. Mới đây, công ty này đã đưa đàn bò hơn 300 con về trang trại bắt đầu cho quá trình nghiên cứu chăn nuôi và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi bò cho các hộ nông dân. Dự kiến, trong thời gian tới, đàn bò của công ty sẽ phát triển hơn 6.000 con, đủ sức cung ứng con giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, bà con nông dân trong tỉnh cần tận dụng mọi nguồn thức ăn xung quanh cho bò ăn để tiết kiệm chi phí. Ngành chức năng, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc giảm giá chi phí chăm sóc bò. Mới đây, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công bố sẽ giảm giá thu mua trong vòng 3 năm tới. Đây là bài toán mà người nuôi bò cần tính tới, bởi đã tham gia thị trường thì không thể bắt doanh nghiệp bao cấp mãi.

Ông Bình thông tin thêm, sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa. Sở cũng mong muốn các doanh nghiệp, hộ nông dân cùng tham mưu, đóng góp ý kiến với ngành để có bước đi hỗ trợ phù hợp giúp đàn bò sữa của tỉnh phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương, đơn vị đang thực hiện mô hình nuôi bò sữa công nghệ cao cho rằng, các hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ, vốn liếng ít nếu biết cách chăm sóc, tuân thủ các quy trình kỹ thuật vẫn bảo đảm chất lượng đàn bò sữa. Đơn cử, ngoài việc chọn hướng xây lắp chuồng trại, bà con nông dân nên đặt thêm đồng hồ đo độ ẩm, nhiệt độ (khoảng 300.000 đồng/cái) để có biện pháp kịp thời giữ ấm hay giải nhiệt cho bò khi thời tiết đột ngột thay đổi. Ngoài ra, tập tính con bò hay dùng lưỡi liếm dưới nền đất, lâu ngày là cơ hội cho các vi sinh vật có hại phát triển gây bệnh cho bò nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần lưu ý về vấn đề này.


 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=621
Quay lên trên