Hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Hai chữ “sính ngoại” đã phai nhạt dần trong suy nghĩ của đại đa số người tiêu dùng, thay vào đó là sự lựa chọn ngày càng nhiều hơn dành cho hàng Việt Nam chất lượng cao. Hàng Việt, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống thường nhật đã không còn chịu cảnh “thua” ngay trên sân nhà.
Yêu thương, ưu ái hàng Việt bởi tấm lòng, niềm tự hào của người Việt là điều hiển nhiên, nhưng cần phải kể đến sự nỗ lực lớn từ chính các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước. Doanh nghiệp Việt, với tay nghề, trí tuệ của người Việt, lòng tự tôn, không cho phép chịu mãi cảnh đứng nhìn hàng ngoại nhập “làm mưa, làm gió” ngay tại thị trường nội địa. Cải tiến, đổi mới mọi mặt, từ công cụ, máy móc, thiết bị đến chất lượng, bao bì, mẫu mã, hạ giá thành đến mức thấp nhất, thiết lập hệ thống cung ứng, tiêu thụ… tất cả đã dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại nhập.
Con số khoảng 90% hàng hóa Việt có mặt trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trong toàn quốc đã cho thấy sức phát triển, sự “thống trị” của hàng Việt trên thị trường nội địa. Hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ bao phủ khắp thị trường thành phố, thị xã, khu đô thị mà còn có mặt hầu khắp thị trường nông thôn, miền núi, kể cả những vùng sâu xa nhất.
Trở lại với địa bàn Bình Dương, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, nhiều năm qua, các ngành, các cấp, hệ thống bán lẻ hiện đại đã chung tay đưa hàng Việt đến gần hơn, sâu rộng hơn để phục vụ người tiêu dùng. Không chỉ là những dịp cao điểm lễ, tết, liên tục trong hàng loạt các hoạt động hội chợ, triển lãm, phiên chợ vui đều được tổ chức, thông qua đó hàng Việt càng có thêm điều kiện để tiếp cận, phục vụ người tiêu dùng Việt. Đặc biệt là các phiên chợ vui, các cấp ngành, doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa hàng Việt đến tận các khu, cụm công nghiệp, giới thiệu rộng rãi đối với hàng triệu công nhân lao động trên địa bàn. Đan xen vào các phiên chợ là những hoạt động tri ân, trao quà, văn nghệ phục vụ rất bổ ích, thể hiện trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh, củng cố thêm niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt.
Lấy được niềm tin đã khó, giữ niềm tin đó còn khó hơn. Chất lượng, mẫu mã, giá cả, cung cách phục vụ, trách nhiệm xã hội… hàng loạt vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất trong nước. Chắc chắn họ biết cần phải làm gì để giữ chân khách hàng, giữ vững thị phần.
TRIỆU PHONG