Hồ Thác Bà được ví như Vịnh Hạ Long trên núi.
Từ ngày 10/11 đến ngày 17/11, Ngày hội khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà và sản vật bưởi Đại Minh năm 2023 sẽ được tổ chức tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ngoài chương trình khai mạc diễn ra vào 19h ngày 11/11 tại Quảng trường Nhà Văn hóa Trung tâm huyện Yên Bình, Ngày hội còn có nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thu hút du khách như: Hội chợ quê với khoảng 50 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, chủ lực, đặc trưng của các địa phương; gian hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; triển lãm ảnh nghệ thuật "Sắc màu Yên Bình”; hội thảo "Giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày vùng hồ Thác Bà”...
Cùng với đó, huyện Yên Bình cũng sẽ tổ chức các hoạt động: dâng hương đền Thác Bà, thị trấn Thác Bà và đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh; tổ chức Cuộc thi cây bưởi đẹp, vườn bưởi đẹp cho các hộ gia đình trồng bưởi tại các xã Đại Minh, Hán Đà, Bạch Hà, thị trấn Thác Bà; tổ chức Hội thi bóc và trình bày bưởi gắn với đánh giá mẫu mã, chất lượng, sản phẩm từ bưởi và mở các tour du lịch tham quan vườn bưởi tại xã Đại Minh; tour du lịch khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà.
Được ví như "Hạ Long trên núi," hồ Thác Bà là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1970 chặn dòng sông Chảy.
Nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, hồ Thác Bà có những đảo xanh lớn nhỏ soi bóng dưới mặt nước cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi. Chính sự kỳ bí ấy tạo cho Thác Bà một vẻ đẹp lung linh huyền hoặc nhưng lại rất hữu tình.
Đi thuyền trên hồ Thác Bà, du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước, từ gió mà còn được hòa mình cùng thiên nhiên.
Sau vài giờ lênh đênh trên sóng nước, du khách có thể ghé thăm động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, đền Thác Ông, đền Thác Bà. Du khách cũng có thể ngược dòng sông Chảy đến với đất Lục Yên, thăm hang Chùa São, Đền Đại Cại... mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Tày, Dao.
Trong hệ thống hang động trên hồ Thác Bà, phải kể đến động Thủy Tiên. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100m, nơi đây lưu truyền sử sách về Vũ Văn Mật - một vị đầu lĩnh thời Lê. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Yên Bái đã từng làm việc tại đây. Động Thủy Tiên còn gắn với huyền thoại về chín nàng tiên xinh đẹp trốn Ngọc Hoàng xuống vui chơi ở chốn hồng trần.
Hồ Thác Bà được công nhận là Di tích Lịch sử Danh thắng cấp Quốc gia theo quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27/9/1996 của Bộ Văn hóa-Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến trước năm 2025, Khu Du lịch hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu Du lịch Quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của tỉnh Yên Bái và vùng du lịch trung du và miền núi Bắc Bộ với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, có sản phẩm chủ đạo, đặc trưng và hình thành thương hiệu cho Khu Du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.
Đến năm 2025, Khu Du lịch hồ Thác Bà đón khoảng 380.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt. Phấn đấu đến năm 2030, nơi đây đón khoảng 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 140.000 lượt. Theo mục tiêu đề ra, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 300 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Ngày hội khám phá Danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà hứa hẹn sẽ là một sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh Yên Bái./.
Theo TTXVN