Tôn vinh sách và văn hóa đọc

Thứ bảy, ngày 21/04/2018

(BDO) 4 năm trở lại đây, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam, hàng năm Ngày sách được tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam còn nhằm tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

 Sách là kho tàng tri thức nhân loại. Sách là khởi nguồn của văn hóa đọc. Đọc sách không chỉ giúp người đọc được nâng cao hiểu biết, rèn luyện năng lực ngôn ngữ mà còn là thói quen tốt giúp ta hoàn thiện mình hơn. Chúng ta tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hóa đọc, để khẳng định tầm quan trọng của sách và việc đọc sách - một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam. Vì vậy việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày sách, giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên văn học, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách... Ngày sách đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Đồng thời sách quyên góp, biếu tặng thông qua những hoạt động hưởng ứng Ngày sách sẽ được đưa tới các điểm đọc, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đang thiếu sách, khát khao tri thức. Đây có thể coi là một kết quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của ngành thư viện với những nỗ lực to lớn để góp phần nâng cao dân trí, nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, văn hóa đọc đang dần bị thay thế bởi các phương tiện thông tin cũng như các thiết bị điện tử thông minh. Nhằm mục đích giữ gìn và phát huy giá trị đọc, Ngày sách Việt Nam thực sự đã mang đến không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích, tạo ra cầu nối chặt chẽ giữa sách và độc giả. Không chỉ mở ra một không gian văn hóa lành mạnh, Ngày sách Việt Nam còn đề cao tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần khuyến khích xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Vì thế, Ngày sách Việt Nam càng có ý nghĩa sâu sắc hơn nhằm mục đích củng cố và lan tỏa văn hóa đọc, tiếp thêm tri thức, truyền thêm ngọn lửa của tinh thần ham học hỏi không chỉ cho lớp trẻ mà cho tất cả mọi người.

 NHẬT HUY