50 năm kể từ ngày Tân Uyên hoàn toàn giải phóng (29.4.1975 - 29.4.2025), nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ, từ một vùng đất từng oằn mình trong bom đạn chiến tranh, TP.Tân Uyên hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, phát triển bậc nhất của tỉnh. Hành trình 50 năm sau ngày giải phóng là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ngay sau ngày giải phóng (29-4-1975), những người con của vùng đất Tân Uyên kiên cường đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương. Từ hai bàn tay trắng, không quản gian lao, họ đã dựng lại quê hương từ những đống đổ nát, khôi phục sản xuất, chăm lo đời sống, từng bước đưa Tân Uyên thoát khỏi khó khăn, bước vào giai đoạn phát triển mới. Bước sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sau khi được công nhận là thị xã vào năm 2014, Tân Uyên đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là đô thị vệ tinh quan trọng phía Đông Bắc của tỉnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tân Uyên luôn đạt mức cao và ổn định. Từ một huyện thuần nông với nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp, đến nay cơ cấu kinh tế của TP.Tân Uyên đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp hiện chiếm hơn 65% cơ cấu kinh tế, trong đó các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện - điện tử, cơ khí, dệt may... phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, TP.Tân Uyên có hơn 10 khu, cụm công nghiệp lớn, tiêu biểu như: Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, VSIP II,… thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước. Nền kinh tế thành phố ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,93%, tổng vốn đầu tư tăng bình quân 10%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,91%/năm; công nghiệp được phát triển theo hướng xanh hóa, tuần hoàn và công nghệ số, tạo ra giá trị sản phẩm ngày một tăng cao và đủ sức cạnh tranh ra thị trường thế giới.
Thích ứng với quá trình phát triển của thành phố, nông nghiệp ở Tân Uyên phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao. Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng được sự đồng thuận của nhân dân, tạo dựng cho diện mạo nông thôn mới thêm khang trang, hiện đại... Cùng với đó, lĩnh vực thương mại - dịch vụ tại Tân Uyên cũng phát triển nhanh chóng. Các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Ông Phan Văn Thịnh, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên chia sẻ: “Trên vùng đất chiến khu năm nào, Tân Uyên hôm nay đã “thay da đổi thịt”. Sự thay đổi diệu kỳ ấy càng làm nổi bật lên sức sống mãnh liệt, sự hồi sinh kỳ diệu của đất và người Tân Uyên”. Ông Thịnh cũng cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Có thể thấy, điểm nhấn nổi bật trong nhiều năm qua của Tân Uyên đó là sự phát triển vượt bậc của hệ thống giao thông ngày càng hiện đại. Thành phố luôn xác định, xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, từ đó đã chỉ đạo, bố trí vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn; đề xuất kiến nghị tỉnh, phối hợp với các huyện, thị, tỉnh, thành lân cận đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các chủ trương giải phóng mặt bằng, giúp các công trình được triển khai đúng tiến độ.
Các dự án giao thông quan trọng như cầu Bạch Đằng 2 và đường dẫn kết nối huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; đường Vành đai 4; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ĐH; nạo vét, gia cố suối Cái… là đòn bẩy quan trọng để Tân Uyên phát huy tiềm năng kinh tế, xã hội của thành phố trẻ. Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp đã đồng lòng đóng góp kinh phí nâng cấp bê tông, hệ thống chiếu sáng trên nhiều tuyến đường ngõ hẻm, cho hệ thống giao thông thêm hoàn thiện...
Đô thị thông minh, bền vững
Ngày 10-4-2023, Tân Uyên chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, một cột mốc quan trọng khẳng định vị thế và tiềm năng phát triển vượt bậc của địa phương. Một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của Tân Uyên là vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ thành phố. Qua các kỳ đại hội, Đảng bộ TP.Tân Uyên luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị, chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, phát huy tốt vai trò trong vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ thành quả phát triển.
Với định hướng phát triển thành đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện đại, thông minh, xanh và bền vững, thời gian qua, TP.Tân Uyên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hạ tầng số, nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư có chọn lọc, nhất là các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Hiến, phường Thạnh Phước, khẳng định: “Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, tôi không khỏi tự hào khi chứng kiến TP.Tân Uyên hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, một thành phố trẻ năng động tràn đầy sức sống. Từ những vùng đất hoang sơ đổ nát năm xưa giờ đây là những khu công nghiệp hiện đại, những con đường thênh thang rợp bóng cây xanh, những ngôi trường chuẩn quốc gia rạng rỡ tiếng cười trẻ thơ…”.
50 năm nhìn lại, từ một vùng đất đậm dấu tích chiến tranh, TP.Tân Uyên hôm nay đã viết nên câu chuyện kỳ diệu về sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Những thành tựu đạt được không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, mà còn là động lực to lớn để Tân Uyên tiếp tục vững bước trên hành trình mới...
Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, Tân Uyên còn đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hệ thống trường học được đầu tư mở rộng và hiện đại hóa. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và thi đỗ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Các cơ sở y tế từ tuyến xã đến thành phố được đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ y bác sĩ, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng. Các chính sách đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người có công, người nghèo, công nhân lao động… được triển khai đầy đủ, kịp thời... |
GIA PHÚC - VĂN DŨNG