TP.Thủ Dầu Một lên đô thị loại I - Kỳ 3

Cập nhật: 22-11-2017 | 08:23:35

Kỳ 3: Bảo đảm nguồn nước sạch, xử lý tốt môi trường

Nhờ có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm trong tìm kiếm sử dụng nguồn vốn vay, ứng dụng khoa học - công nghệ phù hợp trong vận hành các công trình, nhà máy, tỉnh Bình Dương nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng đã bảo đảm nguồn nước sạch, xử lý môi trường theo tiêu chuẩn đô thị.

 Nhà máy cấp nước khu liên hợp mở rộng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như TP.Thủ Dầu Một trong giai đoạn tới. Ảnh: DUY CHÍ

 Vì chất lượng cuộc sống

Hiện nay, TP.Thủ Dầu Một có 56.264/72.059 hộ sử dụng nước nhà máy cấp, hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 78,1%; số hộ còn lại (15.795 hộ) nằm cách xa các trục đường chính, khu vực chưa được thi công lắp đặt đường ống cấp nước chủ yếu vẫn dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan (độ sâu 20÷50m). Chất lượng nước ngầm tại TP.Thủ Dầu Một tương đối tốt, đạt quy chuẩn QCVN 09:2008/BTNM; riêng độ pH thấp hơn so với quy chuẩn nước có tính axit. So với tiêu chuẩn đô thị loại I, TP.Thủ Dầu Một đã đạt và vượt 5% so với yêu cầu.

Thành phố sử dụng nguồn nước từ các xí nghiệp nước với tổng công suất thiết kế là 301.600 m3/ngày - đêm. Công suất sử dụng năm 2016 là 302.000 m3/ngày - đêm, do các nhà máy nước cải tạo nâng công suất thực tế lên so với công suất thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các đơn vị cung cấp nước gồm Xí nghiệp cấp nước Thủ Dầu Một công suất 21.600m3/ngày - đêm, sau khi cải tạo nâng cấp công suất năm 2016 đạt 35.000m3/ngày - đêm, đến năm 2017 đạt 37.000m3/ngày - đêm; Xí nghiệp cấp nước Dĩ An công suất 190.000m3/ngày - đêm, sau khi cải tạo nâng cấp công suất năm 2017 đạt 210.000m3/ngày - đêm; Xí nghiệp cấp nước khu liên hợp (Thành phố mới Bình Dương) công suất 90.000m3/ngày - đêm, sau khi cải tạo nâng cấp công suất năm 2016 đạt 110.000m3/ngày - đêm.

Cách làm riêng của Bình Dương nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng là không xây dựng nhà máy nước riêng lẻ theo kiểu mỗi địa phương một nhà máy cấp nước mà phát triển theo hướng mở rộng nhà máy cũ sẵn có, kết hợp với nhà máy mới hiện đại nằm trong quy hoạch chung đã được tỉnh phê duyệt; kết hợp vận hành liên hoàn nhằm bảo đảm cấp nước liên tục, đầy đủ cho khách hàng. Ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cho biết, việc quy hoạch nhà máy trong đô thị văn minh hiện đại phải bảo đảm các yêu cầu về hiệu quả, chất lượng sử dụng, vận hành nhằm tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm nhân công lao động, tiết kiệm chi phí vận hành… Công nghệ scada cho phép kết nối mạng lưới, phát huy hiệu quả hoạt động của các nhà máy nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu của khách hàng và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Xử lý chất thải không chôn lấp

Đến nay, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt) - Tiểu dự án 1 tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh đã thực hiện các công đoạn nạo vét, chỉnh trang hệ thống thoát nước, kênh rạch tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên. Đối với Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt sử dụng công nghệ sinh học bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ cải tiến với ưu điểm tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, giảm mùi hôi và bảo đảm chất lượng nước sau khi xử lý đã đi vào hoạt động, với công suất thiết kế 70.000m3/ngày - đêm. Hiện giai đoạn I của nhà máy đã gần đạt ngưỡng công suất thiết kế và đang chuẩn bị mở rộng giai đoạn II.

Song song đó, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh nói chung và TP.Thủ Dầu Một nói riêng đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải để thu gom toàn bộ nước thải sản xuất, sinh hoạt tại các công ty, xí nghiệp về nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý. Tỷ lệ đấu nối nước thải tại các KCN hiện nay đạt 100%. Nước thải sau xử lý của các KCN đều bảo đảm đạt quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt cột A trước khi xả thải ra nguồn nước mặt tiếp nhận.

Cùng với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, Bình Dương đã đầu tư lắp đặt hệ thống trạm quan trắc tự động và camera theo dõi, giám sát các nguồn thải, chống xả trộm. Việc đưa vào sử dụng các thiết bị quan trắc nước thải tự động và 62 hệ thống camera theo dõi cho phép quan sát 24/24 giờ quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và nước xả thải của các doanh nghiệp. Hình ảnh từ các camera giám sát tự động và các số liệu đo đạc được truyền về Trạm điều hành hệ thống quan trắc nước thải tự động do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) trực tiếp quản lý. Dự kiến tới đây, Bình Dương tiếp tục triển khai lắp đặt thêm 50 điểm lấy mẫu quan trắc tự động tại 50 doanh nghiệp có lượng xả nước thải lớn để kiểm soát nguồn nước thải ra môi trường chưa qua xử lý. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống này nhằm giám sát, theo dõi nguồn xả đạt kết quả.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, thành phố không có khu xử lý chất thải nhưng toàn bộ chất thải sinh hoạt trên địa bàn được Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương tổ chức thu gom thông qua các tổ thu gom rác vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất thải nguy hại xử lý theo quy trình hạn chế chôn lấp nhằm thu hồi và tái sản xuất ra nhiều loại vật chất hữu ích khác như vật liệu xây dựng, nhựa tổng hợp, phân bón hữu cơ, thu hồi khí gas để phát điện… được Chính phủ đánh giá là đơn vị điển hình cần được nhân rộng ra cả nước.

Tăng cường thoát nước đô thị

Hệ thống thoát nước mưa của TP.Thủ Dầu Một gồm sông, suối, kênh rạch, cống bê tông và mương hở. Ngoài sông Sài Gòn, các sông, suối khác đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống thoát nước mưa của thành phố. Cụ thể như suối Giữa chảy từ các phường Hòa Lợi (TX.Bến Cát), Phú Chánh (TX.Tân Uyên) qua các phường Định Hòa, Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) tới sông Sài Gòn, suối Cát, thoát nước mưa cho các phường Phú Lợi, Hòa Phú, Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một). Ngoài ra, trên địa bàn còn có một số suối nhỏ lẻ khác thoát nước ra sông Sài Gòn nằm trên địa bàn các phường Chánh Nghĩa, Phú Cường đều được kè 2 bên bờ.

Đối với kênh thoát nước, Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị đã xây dựng 3 tuyến kênh dài và rộng thoát nước cho khu liên hợp và 2 phường Phú Tân, Hòa Phú. Riêng mạng lưới thoát nước mưa trên địa bàn thành phố, các cống thoát nước mưa bằng bê tông hoặc mương hở được xây dựng dọc theo các tuyến đường đô thị thu gom nước mưa của các KCN, khu dân cư, sau đó thoát ra sông, suối chảy qua địa bàn.

Hiện tại, hệ thống thoát nước đô thị của TP.Thủ Dầu Một đã được đầu tư xây dựng đồng bộ cùng với hệ thống giao thông. Các dự án khu dân cư, khu đô thị mới đều được thiết kế 2 hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải sinh hoạt riêng biệt; các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất mới đều có hệ thống thoát nước cùng với trạm xử lý nước thải. Trong 5 năm qua, thành phố đã thực hiện được 39.451m kênh mương thoát nước, kiên cố hóa 300m kênh mương thoát nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, hạn chế ngập lụt do triều cường.

Kỳ 4: Đồng bộ kiến trúc cảnh quan đô thị

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên