TP.Thủ Dầu Một lên đô thị loại I - Kỳ 4

Cập nhật: 23-11-2017 | 08:08:31

Kỳ 4: Đồng bộ kiến trúc cảnh quan đô thị

 

 Trong những năm qua, đô thị Thủ Dầu Một đã được phát triển rộng khắp, khá cân đối. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị loại I.

 Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn

TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và đang từng bước triển khai thực hiện. Việc xây dựng phát triển đô thị được thành phố thống nhất quản lý theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng (đối với khu vực hiện hữu) và theo quy định quản lý xây dựng (đối với các dự án khu dân cư được lập quy hoạch chi tiết). Về số lượng không gian công cộng cấp đô thị, thành phố có 12 khu, gồm khu Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao thành phố, Công viên văn hóa Thanh Lễ, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Sân vận động Gò Đậu... Cùng với đó, thành phố có 14 khu dân cư được thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị.

Khu vực trung tâm TP.Thủ Dầu Một đã được đầu tư xây dựng mới, đồng bộ, riêng khu trung tâm hành chính của tỉnh với cảnh quan sinh thái mặt nước và các công trình phụ cận làm tăng tính hấp dẫn đối với thành phố. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đô thị của thành phố phát triển mạnh, hầu hết các tuyến đường được đầu tư nâng cấp đồng bộ về mặt đường, vỉa hè, cấp điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị cũng được thành phố chú trọng, từng bước đi vào nề nếp. Thành phố hiện có các tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị và an toàn giao thông như đường Hoàng Hoa Thám, Huỳnh Văn Lũy, Thích Quảng Đức... với kiến trúc mặt phố hài hòa, bảo đảm mỹ quan đô thị; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính khu vực đạt 50,6%.

Trên địa bàn thành phố có các công trình văn hóa, di tích tiêu biểu, thể hiện được bản sắc, khí khái của con người vùng đất Thủ Dầu Một. Cụ thể, thành phố có 11 di tích lịch sử văn hóa; trong đó 5 di tích được xếp hạng quốc gia là nhà tù Phú Lợi, chùa Hội Khánh, nhà cổ Trần Văn Hổ, nhà cổ Trần Công Vàng và đình thần Tân An, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh. 11/11 di tích đã được tu bổ, tôn tạo, bảo đảm mỹ thuật, tính tôn nghiêm của các di tích. TP. Thủ Dầu Một còn có chùa Bà gắn với lễ hội chùa Bà Rằm tháng giêng là lễ hội dân gian lớn với những nét văn hóa độc đáo ở vùng Đông Nam bộ. Trong số những ngôi chùa ở Bình Dương, có chùa Hội Khánh tại TP.Thủ Dầu Một là một ngôi chùa cổ thuộc diện lâu đời nhất, được xây dựng từ năm 1741.

Các công trình tạo điểm nhấn đô thị

Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch hành động số 35-KH/TU ngày 12-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một về thực hiện Nghị quyết số 17- NQ/TU ngày 14-11-2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Theo đó, phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, trong đó chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bảo đảm theo quy hoạch; từng bước phát triển “Đô thị xanh - thông minh” tạo diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị theo hướng ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và vui chơi, giải trí cho người dân; đầu tư các công trình tạo lực, có quy mô chất lượng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố, tạo sức lan tỏa để kết nối vùng và kết nối hài hòa giữa khu đô thị mới và khu đô thị hiện hữu, nhất là khu vực Tây Bắc và ven sông Sài Gòn.

Ông Trần Sĩ Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Dầu Một cho biết, triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tới đây phòng sẽ chủ động phối hợp với Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên - Môi trường xây dựng quy hoạch, lập danh mục và công bố kêu gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó nguồn vốn ngoài ngân sách là chủ yếu; đồng thời tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các dự án khu đô thị, dịch vụ ven sông; triển khai hiệu quả dự án khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, từ đó hình thành các đoạn đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch. Đơn vị cũng phối hợp tham mưu đầu tư từ ngân sách Nhà nước kết nối các tuyến đường còn lại, kết hợp tạo quỹ đất sạch của thành phố, phấn đấu hình thành tuyến đường ven sông đoạn Phú Thọ - Tương Bình Hiệp; hình thành các khu nhà ở, thương mại dịch vụ, du lịch, công viên, quảng trường, phố đi bộ ở một số khu vực ven sông Sài Gòn thuộc các phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa.

Trong giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án trọng điểm sẽ được đầu tư, góp phần tạo lực phát triển đô thị TP.Thủ Dầu Một. Cụ thể như dự án mở mới đường đê bao dọc rạch Bà Cô (theo quy hoạch phân khu là đường N8, thuộc phường Chánh Mỹ) có chiều dài 1.100m, từ đại lộ Bình Dương đến ranh khu dự án đô thị sinh thái Chánh Mỹ; tuyến đường trục chính Đông Tây (trên địa bàn phường Tân An) có chiều dài 2.780m, từ đường Nguyễn Chí Thanh đến đường đê bao; đường Tạo lực 6 nối dài đến Phan Đăng Lưu và đường Phan Đăng Lưu nối dài (phường Hiệp An), đoạn 1 có chiều dài 820m từ đại lộ Bình Dương đến đường Phan Đăng Lưu, đoạn 2 dài 1.375m từ đường Huỳnh Thị Hiếu đến đường phân khu D1. Theo quy hoạch phân khu, dự án kết nối giữa đô thị mới Hòa Phú với khu vực Tân An, Tương Bình Hiệp. Dự án chia làm 2 phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 từ năm 2017-2020; giai đoạn 2 sau năm 2020...

Ông Nam cho biết thêm, trong thời gian tới TP.Thủ Dầu Một sẽ lập và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị hiện hữu cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đô thị; lập và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các điểm tập trung dân cư, các khu vực có khả năng phát triển hoặc có khả năng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư. TP. Thủ Dầu Một cũng ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan cho từng đô thị; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch... để thu hút các nhà đầu tư; cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng mô hình quản lý đô thị bảo đảm hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý phát triển đô thị bền vững; tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực cho chính quyền các đô thị, đào tạo và biên chế cho cấp phường…

Kỳ 5: Hoàn thiện cơ sở giáo dục - đào tạo

 Theo đánh giá, tiêu chuẩn về Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, TP.Thủ Dầu Một đạt tối đa 2,0/2,0 điểm. Tiêu chuẩn Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/ tổng số trục phố chính thành phố đạt 1,5/2,0 điểm (Yêu cầu của đô thị loại I: Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị/tổng số đường chính thành phố từ 50 đến >60%). Tiêu chuẩn số lượng dự án cải tạo chỉnh trang đô thị (khu) đạt tối đa 2,0/2,0 điểm (Yêu cầu của đô thị loại I từ 4 đến >6 khu). Tiêu chuẩn số lượng không gian công cộng của đô thị đạt tối đa 2,0/2,0 điểm (Yêu cầu của đô thị loại I: Số lượng không gian công cộng của đô thị từ 5 khu đến >7 khu). Tiêu chuẩn công trình kiến trúc tiêu biểu, công trình văn hóa lịch sử, di sản đạt tối đa 2,0/2,0 điểm (Yêu cầu đạt điểm tối đa của đô thị loại I: Có công trình cấp quốc gia/có công trình cấp tỉnh).

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3213
Quay lên trên