Trả lại “quyền thi đấu” cho nông dân

Cập nhật: 13-08-2012 | 00:00:00

Hệ lụy mà quy hoạch “treo”, dự án “treo” đem lại cho người dân là rất lớn cả về vật chất, lẫn tinh thần. Phải là người trong cuộc hoặc đã từng nếm trải cuộc sống bởi cái sự “treo” này mới cảm nhận được đầy đủ niềm vui của người dân khi được trả lại đầy đủ các quyền đối với mảnh đất như quyền sở hữu, quyền chuyển đổi mục đích sử dụng, quyền được sang nhượng... Không có các quyền này, nông dân không được phép xây dựng nhà ở, không được mua bán sang nhượng và không có cả cái quyền tối thiểu là được cung cấp các dịch vụ phục vụ cuộc sống như điện sinh hoạt, nước sạch... Cùng ở trong một xã, ấp mà nơi này như thiên đường, còn nơi kia nhà cửa lụp xụp dột nát, đường giao thông thì như đường rừng, không điện, không nước sạch là tình cảnh thường thấy ở những khu vực “treo”! Cuộc sống của người dân nơi bị “treo” như tê liệt, niềm tin của người dân đối với chính quyền vì vậy cũng giảm sút.

Tại hầu hết các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo” thường được cử tri đề cập nhiều nhất. Thấy rõ những hệ lụy nói trên, không phải đến bây giờ mà từ năm 2006, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng đã từng nhắc nhở các địa phương rà soát, xóa các dự án “treo” nhằm trả lại đất cho người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như chạy theo phong trào làm khu công nghiệp, dự án khu dân cư nên nhiều địa phương vẫn quyết tâm không bỏ “treo” mà còn đưa ra nhiều lý do để “treo” thêm đất của dân! Sau một thời gian “đắp chiếu” nằm chờ, hầu hết các dự án “treo” đều không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không như mong đợi, gây thiệt hại không chỉ đối với người dân có đất bị “treo”, mà còn đối với cả nền kinh tế.

Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn diện tích đất “treo” đang bị bỏ hoang hóa nơi này, nơi kia là rất lớn. Chỉ riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, từ con số thống kê sơ bộ mỗi tỉnh hiện có hàng chục ngàn hec-ta đất lúa bị “treo” chờ làm khu công nghiệp hoặc dự án khu dân cư. Chỉ với 2 vụ lúa mỗi năm, ước tính mỗi tỉnh thiệt hại hàng trăm ngàn tấn lương thực từ diện tích đất bỏ hoang! Trước tình hình an ninh lương thực thế giới còn nhiều bất ổn, người dân thiếu đất để canh tác, việc mạnh dạn xóa “treo” trả lại đất cho nông dân canh tác là cần thiết. Xóa bỏ “treo” trong hoàn cảnh này cũng là cách để phát triển, do vậy sau Long An và Tây Ninh hy vọng sẽ có thêm nhiều địa phương dũng cảm xóa “treo”, trả lại “quyền thi đấu” cho nông dân.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=213
Quay lên trên