Vụ việc chết người do sự tắc trách của bác sĩ trực tại Cà Mau gây xôn xao dư luận chưa kịp lắng xuống thì mới đây tại Trung tâm Y tế Chợ Gạo, Tiền Giang lại thêm một vụ nữa với các tình tiết cũng tương tự và người thân nạn nhân tiếp tục đưa xác nạn nhân đến cơ sở y tế để gây áp lực nhằm đòi hỏi truy cứu trách nhiệm. Nguyên nhân do đâu? Lương thấp, thiếu trang bị, căng thẳng, quá tải... là câu trả lời thường thấy, nhưng ở những trường hợp này thì câu trả lời đó dường như khó thuyết phục, bởi vì bác sĩ trực chỉ cần quan tâm một chút để nhận định bệnh nhằm cấp cứu hay chỉ chuyển viện kịp thời là cứu được bệnh nhân.
Không thể “gom đũa cả nắm” và cũng không phủ nhận quá trình nâng cao y đức của ngành y tế trong thời gian vừa qua nhưng ở đâu đó cũng còn những người không chỉ thiếu y đức mà còn thiếu trách nhiệm nghiêm trọng dẫn đến những bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ khi đất nước thực hiện nền kinh tế thị trường, chế độ bao cấp không còn, nhiều lĩnh vực đang trong quá trình xã hội hóa trong đó có ngành y thì những cái ưu và cái nhược cũng dần xuất hiện một cách rõ nét. Hiện nay mạng lưới y tế được phủ rộng, ngoài các cơ sở y tế công lập còn có nhiều cơ sở y tế tư nhân được hình thành nhằm tạo sự lựa chọn trong việc khám chữa bệnh cho người dân, trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở cũng được đầu tư mới, đội ngũ nhân viên y tế được tăng cường về chất lượng và số lượng kể cả bác sĩ nước ngoài... đó là những thành tựu đáng kể của ngành y nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều tồn tại, vì liên quan đến vụ việc trên nên chỉ bàn đến khía cạnh y đức.
Một số cuộc thăm dò dư luận ở một số đối tượng trong xã hội nhất là công nhân cho thấy chỉ số hài lòng đối với công tác khám chữa bệnh không cao, trước hết là thái độ nhận bệnh: Ở cơ sở y tế tư nhân khi nhận bệnh được làm rất nhiệt tình nhưng mức phí thì quá cao so với hiệu quả khám chữa bệnh, hơn nữa lại hay “bán cái” các ca cấp cứu khó cho công lập. Ở cơ sở công lập thì đa phần có thái độ hờ hững, lạnh nhạt lại thiếu sự hướng dẫn cũng như chăm sóc tận tình, nhiều người cho rằng tìm một nụ cười của y, bác sĩ trong bệnh viện sao khó quá nhưng bệnh nhân thì rất cần điều đó trước sự bất an của bệnh tật. Chất lượng khám chữa bệnh hiện nay ở tuyến cơ sở chưa cao, nhất là chẩn đoán bệnh, bằng chứng là sự quá tải thường xuyên của bệnh viện tuyến trên, có những ca bệnh đơn giản nhưng người ta vẫn muốn lên tuyến trên chữa cho chắc ăn, điều này không chỉ vì tâm lý an toàn mà thực tế có nhiều bệnh ở tuyến cơ sở chẩn đoán sai hoặc chậm nên khi chuyển tuyến trên thì đã quá muộn, nguyên nhân của vấn đề không chỉ ở trình độ hay thiếu trang bị mà còn ở sự tận tâm và trách nhiệm cao trong hội chẩn...
Hiện nay vì cuộc sống đa phần đội ngũ bác sĩ phải tự làm thêm, có người làm tới 2 - 3 cơ sở nên sự tận tâm cho công việc chính tại bệnh viện chắc cũng khó bảo đảm được. Ngày xưa có hai nghề được xã hội tôn vinh là “thầy” đó là thầy dạy học và thầy thuốc, sở dĩ xã hội trọng vọng là vì cái tâm của người làm nghề này (trong sáng, cao quý, tận tâm, không vụ lợi...) ngày nay cuộc sống mưu sinh trong nền kinh tế thị trường quá phức tạp, giá trị vật chất lên ngôi thì quan điểm về sự cao quý của nghề “thầy” cũng giảm dần, cũng không phải từ định kiến sai lệch của số đông mà có phần từ chính những hành động không hay của một số người trong nghề, có người còn mạnh miệng cho rằng: Ngày nay với sự học “không tiền là dốt chắc” và với sự bệnh “không tiền là chết chắc” nghe thật chua chát. Nói gì đi nữa thì mỗi nghề là được sự phân công của xã hội, ngoài cái tâm ra thì đòi hỏi đầu tiên là tính trách nhiệm, mọi người thực hiện tốt trách nhiệm của mình được giao là đã góp phần xây dựng xã hội, như vụ việc trên chỉ cần thực hiện tốt trách nhiệm là đã không xảy ra sự việc đáng tiếc gây hậu quả đau lòng và bức xúc trong dư luận.
NGUYỄN HUỲNH