Cách đây tròn 45 năm, ngày 1-12- 1976, đúng vào dịp kỷ niệm 18 năm sự kiện “Phú Lợi căm thù” (ngày 1-12- 1958), Tỉnh ủy Sông Bé ban hành quyết định thành lập Báo Sông Bé, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé, tiền thân của Báo Bình Dương ngày nay. Lúc mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự, in ấn, phát hành… nhưng với sự nỗ lực cao, 10 ngày sau khi thành lập, ngày 10-12-1976, Báo Sông Bé xuất bản và phát hành số báo đầu tiên.
Thời gian đầu dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, Báo Sông Bé đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; cung cấp thông tin một cách chính thống, trung thực và kịp thời đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tiếp nối truyền thống của Báo Sông Bé, thời gian qua đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Bình Dương đã có những bước phát triển nhanh. Đảng ủy, Ban Biên tập báo quan tâm, chú trọng đến công tác rèn luyện đạo đức lối sống, học tập, nâng cao về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và lý luận chính trị. Báo đã tập trung tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền sâu, rộng, tạo sức lan tỏa về những tấm gương tiêu biểu, điển hình qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước… Đặc biệt, đội ngũ phóng viên thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là địa bàn vùng xa để phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội và những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh và các địa phương.
Đặc biệt, trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, đội ngũ cán bộ, phóng viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tuyên truyền hiệu quả; họ là một trong những lực lượng tuyến đầu xung kích vào tâm dịch. Điều đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm xã hội, sự dấn thân trong nghề nghiệp.
Hiện nay, Báo Bình Dương đang thực hiện và từng bước hướng đến hoàn thiện mô hình Tòa soạn đa phương tiện - xu hướng phát triển tất yếu của báo chí hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Báo không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức tuyên truyền; từng bước đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; khai thác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền. Phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo Báo Bình Dương hôm nay không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, người làm báo cần giữ cho mình “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, luôn dấn thân trong hoạt động nghề nghiệp để xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
NHẬT HUY