Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, vai trò của giai cấp công nhân (GCCN) đã được khẳng định. Trong giai đoạn bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay, GCCN đóng vai trò quan trọng. GCCN đã và đang đóng góp làm rạng danh đất nước. Cùng với đó, trong năm qua nhiều công nhân lao động (CNLĐ) giảm thu nhập do mất việc làm vì dịch bệnh. Do vậy, việc quan tâm chăm lo cho CNLĐ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt vào các dịp lễ, tết bên cạnh nghĩa tình còn là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Trong tiến trình lịch sử của cách mạng Việt Nam, GCCN nói chung và CNLĐ nói riêng được coi là lực lượng tiên phong, đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) cũng đã xác định: “GCCN là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Sau 35 năm đổi mới và 14 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, GCCN đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế. Vị trí, vai trò của GCCN ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, trên thực tế CNLĐ vẫn là tầng lớp nghèo về kinh tế, thấp về địa vị, yếu về tiếng nói. Do CNLĐ chủ yếu làm công hưởng lương nên khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh dễ rơi vào tình trạng khó khăn và đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 vừa qua đã bộc lộ rõ điều đó. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương là phải tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ lợi ích của GCCN nói chung và CNLĐ nói riêng.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của GCCN và CNLĐ, thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho CNLĐ. Bên cạnh nghĩa tình, quan tâm chăm lo cho CNLĐ còn được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tạo điều kiện để CNLĐ có việc làm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ; xây dựng nhà ở xã hội giúp CNLĐ an cư… là công việc thường xuyên, được Đảng, Nhà nước chỉ đạo các địa phương thực hiện. Đối với những CNLĐ khó khăn, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm vào cuộc giúp đỡ. Điều đó thể hiện rõ qua các dịp lễ, tết hàng năm. Năm nay, nhiều CNLĐ khó khăn do mất việc làm, giảm thu nhập bởi dịch bệnh nên trách nhiệm của địa phương, các đoàn thể và doanh nghiệp đối với CNLĐ cũng cao hơn, bảo đảm để tất cả mọi CNLĐ đều có cái tết ấm cúng, đủ đầy.
Tin rằng với những gì mà Đảng, Nhà nước đang làm sẽ xóa dần những bất cập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để CNLĐ thực sự là “giai cấp tiên phong” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định.
LÊ QUANG