Trách nhiệm với nhân dân

Cập nhật: 03-11-2010 | 00:00:00

 Trong mấy ngày gần đây, người dân luôn nóng lòng chờ đợi thông tin của các phiên họp Quốc hội, tại sao vậy? Vì chương trình nghị sự lần này đưa ra nhiều vấn đề quốc gia đại sự tương đối “nóng”. Trong thảo luận tại một phiên họp mới đây, với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội được báo chí trích dẫn phải nói là thông tin “sốc”. Vì đây là lần đầu tiên có những kiến nghị mạnh dạn và kiên quyết về truy cứu trách nhiệm và đặt vấn đề tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ cũng như người đứng đầu Chính phủ do đã để xảy ra những hậu quả nặng nề trong công tác quản lý, điều hành.

Kỳ họp lần này tại sao Quốc hội lại đặt nặng tính trách nhiệm như vậy? Theo các ý kiến phân tích của các đại biểu Quốc hội cho thấy ở tầm vĩ mô công tác quản lý và điều hành có nhiều tồn tại, thiếu sót. Đa số ý kiến tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm có liên quan đến cuộc sống người dân như: Vấn đề lạm phát, theo dự kiến đến cuối năm nay mức lạm phát có thể lên đến 9-10%, điều này cũng có nghĩa đồng tiền mất giá và đời sống người làm công ăn lương sẽ tiếp tục lao đao. Mặc dù Chính phủ đã có một số giải pháp kìm hãm tăng giá nhưng tỏ ra không hiệu quả, ngoài một số mặt hàng thông thường tăng thì riêng giá vàng và USD tăng đến chóng mặt không thể kiểm soát nổi. Vấn đề thiếu điện lại được lặp lại nhưng lần này có cái mới là thiếu điện ngay trong mùa mưa lũ. Trong khi cơ cấu thủy điện chiếm tỷ trọng cao trong ngành điện Việt Nam, theo lý giải của ngành quản lý điện là do thiếu vốn đầu tư, sự trả lời này rất cũ. Đã có hàng loạt nhà máy ngưng sản xuất, công nhân nghỉ dãn ca, hàng triệu hộ gia đình không có ánh sáng  thì ngành đóng tàu không phải thế mạnh của Việt Nam lại được liên tục ưu tiên vay tiền từ công trái Chính phủ và làm ăn thua lỗ có khả năng mất trắng trên 100.000 tỷ đồng. Sự thành công của mô hình tập đoàn ở Việt Nam như thế nào sẽ tiếp tục xem xét nhưng cho đến nay qua vụ Vinashin cho thấy trong công tác quản lý có quá nhiều bất cập, mặc dù Việt Nam đã có Luật Doanh nghiệp và không thiếu các qui phạm điều chỉnh đối với doanh nghiệp nhưng qua phát biểu của một bộ trưởng chủ quản cho thấy các tập đoàn, tổng công ty giống như “siêu doanh nghiệp” vì ngay cả bộ chủ quản cũng “bó tay” do không can thiệp và quản lý được. Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước loại vừa và nhỏ được tái cơ cấu lại theo hướng giải thể - sáp nhập - cổ phần... thì các tập đoàn tiếp tục được ưu ái bám lấy “bầu sữa mẹ”, được ưu ái là vậy nhưng lại “vô nhiễm” đối với thanh kiểm tra nên khi xảy ra hậu quả thì thật là nặng nề, đã đến lúc phải đánh giá lại hoạt động của loại mô hình này và có sự giám sát chặt chẽ trên cơ sở tuân thủ và bình đẳng trước pháp luật.

Quốc hội sẽ còn tiếp tục đăng đàn thảo luận - bàn bạc các vấn đề quốc kế - dân sinh, nhưng điều các cử tri mong muốn là có một Chính phủ mạnh, nhạy bén và chịu trách nhiệm với dân trong quá trình quản lý điều hành của mình. Nhận trách nhiệm và xin lỗi dân khi quản lý yếu kém chỉ là khởi đầu, điều quan trọng là khắc phục và quản lý tốt mới là sự trông đợi của muôn triệu người dân.

- NGUYỄN HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên