Trạm y tế lưu động tại Bình Dương: Sáng tạo trong chống dịch, tiếp tục chuyển đổi công năng - Bài 3

Cập nhật: 14-06-2022 | 08:16:53

Bài 3: Giải bài toán nhân lực chuyển đổi công năng

(BDO) Hiệu quả của việc vận hành hệ thống trạm y tế lưu động (TYTLĐ) và tận dụng tối đa tài nguyên của ngành y tế là vậy nhưng hiện nay tình trạng y, bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở bỏ ngành vẫn còn là câu chuyện nhức nhối. Giải pháp căn cơ nào cho ngành y tế tỉnh nhà để có nguồn nhân lực đủ mạnh, chất lượng nhằm chuyển đổi công năng TYTLĐ thành trạm y tế cố định.


Nhân viên TYTLĐ TP.Thủ Dầu Một tham gia tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Nhân viên y tế bỏ Trạm

Dưới áp lực công việc, sau đại dịch COVID-19 hàng loạt nhân viên y tế cơ sở đã bỏ việc. Thống kê chưa đầy đủ ở tuyến y tế cơ sở đã có khoảng 300 nhân viên y tế nghỉ việc tại các trạm y tế (TYT) và TYTLĐ. Lý do chủ yếu được đưa ra là thu nhập thấp, môi trường làm việc không phù hợp, không có cơ hội nâng cao tay nghề, hoàn cảnh gia đình khó khăn công việc quá tải nhưng lương không đủ trang trải chi phí cuộc sống.

Điển hình tại TX.Bến Cát trong năm 2021 và đầu năm 2022 có tới 35 viên chức nghỉ việc. Trong suốt thời gian cao điểm chống dịch COVID-19, Trạm y tế xã An Điền, TX.Bến Cát luôn trong tình trạng quá tải công việc. Chỉ tính trong 1 tháng, 3 bác sĩ, nhân viên y tế của trạm đã tham gia tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho gần 900 ngàn người. Con số này cao hơn gấp 30 lần so với chương trình tiêm chủng mở rộng mà trạm y tế đã thực hiện trong năm và đồng nghĩa với 1 ngày làm việc của nhân viên y tế bằng tổng khối lượng công việc của 30 năm. Ngoài tiêm chủng, nhân viên trạm còn lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa bệnh thông thường cho người dân. Y sĩ Đ.H.K, từng giữ cương vị là Phó Trạm y tế xã An Điền trong nhiều năm nhưng đầu năm 2022 anh phải viết đơn xin nghỉ vì áp lực công việc. Anh K. chia sẻ: “An Điền là địa bàn rộng, dân đông, công việc nhân viên y tế trạm rất nhiều gồm: phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, quản lý thai phụ, kế hoạch hóa gia đình, quản lý người bệnh tâm thần. Tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng cao, nhân viên y tế dốc sức làm việc gấp 2-3 lần ngày thường nhưng lương thì không tăng. Hiện dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhưng nhân viên lại đối mặt với áp lực tuyên truyền, giám sát ca bệnh truyền nhiễm SXH, tay chân miệng”. Hay trường hợp của y sĩ N.T.U., trưởng trạm y tế lưu động ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng nghỉ việc vì lương quá thấp chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng (lương và đãi ngộ) nên y sĩ U. xin nghỉ việc để chuyển đến bệnh viện tư làm. Y sĩ U. cho biết: “Với số tiền lương này nếu có gia đình, có con thì rất chật vật nên muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới, ổn định cuộc sống”.

Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nên khi chuyển đổi công năng TYTLĐ thành trạm y tế cố định, ngành y tế đối mặt với tình trạng thiếu biên chế định biên, chủ yếu bác sĩ và điều dưỡng hộ sinh. Thống kê, hiện toàn tỉnh còn thiếu 593 biên chế, trong đó tuyến xã thiếu hơn 470 biên chế. Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế và các ngành trong tỉnh đều thống nhất quan điểm: Để giữ chân nhân viên y tế cơ sở, tỉnh cần bổ sung nguồn nhân lực, tăng định suất biên chế, đảm bảo đời sống, thu nhập và nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở.  

Nâng cao năng lực chuyên môn, tăng thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở

Trước tình trạng thiếu nhân lực, nhân viên nghỉ việc, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND “Hỗ trợ cho viên chức và nhân viên y tế cơ sở thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19” để giữ chân và thu hút tuyển dụng. Theo đó UBND tỉnh hỗ trợ hàng tháng cho nhân viên hợp đồng công tác tại TYTLĐ tại xã, phường, thị trấn 5.000.000 đồng đối với chức danh bác sĩ, 3.000.000 đồng đối với chức danh chuyên môn y tế, 2.000.000 đồng đối với chức danh khác không có chuyên môn y tế. Cũng tại quyết định này, UBND tỉnh hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho viên chức công tác tại Trạm Y tế, Phòng Khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn đối với chức danh Bác sĩ; 2 triệu đồng đối với các chức danh còn lại. Với sự hỗ trợ này thì bác sĩ công tác tại TYTLĐ thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng, y sĩ, điều dưỡng khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Sự hỗ trợ này góp phần cải thiện đời sống, thu nhập cho nhân viên y tế và tạo động lực cho họ gắn bó với địa phương.


Cán bộ Trạm y tế phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An cho trẻ uống vitamin A

Ngoài tăng lương thu hút nhân lực, Sở Y tế cũng đề xuất UBND tỉnh tăng biên chế cho trạm y tế cố định trên tinh thần chuyển đổi nhân lực TYTLĐ qua Trạm y tế cố định với chủ trương 15.000 dân bố trí 1 Trạm y tế. Việc tăng biên chế cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn được coi là giải pháp hữu hiệu góp phần chuyển đổi công năng TYTLĐ và củng cố hệ thống y tế trong tình hình mới. Từ hướng đi này, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh giao Sở rà soát, ưu tiên xét tuyển viên chức y tế ngay trong tháng 7-2022. “Sở cũng đề xuất UBND tỉnh cho phép tăng thêm khoảng 470 biên chế cho Trạm y tế theo 3 phương án. Trường hợp xã phường, thị trấn có 15.000 dân trở xuống thì tăng thêm 3 biên chế/1 trạm; Từ 15.000 đến 50.000 dân tăng thêm 5 biên chế/1 trạm và trên 50.000 dân thì tăng 10 biên chế/trạm”- bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết.

Mặc dù tỉnh đã ban hành những chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế nhưng tình trạng chênh lệch thu nhập giữa các cơ sở y tế trong và ngoài công lập vẫn ở mức cao. Câu chuyện 2 bác sĩ có trình độ, tay nghề ngang nhau nhưng bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế ngoài công lập lương từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng còn bác sĩ công lập lương từ 10 đến 20 triệu/tháng thì vẫn còn nhiều bất cập, đáng bàn.  Mặt khác một bộ phận y, bác sĩ, nhân viên y tế không muốn về cơ sở công tác mà muốn ở lại thành phố để nâng cao tay nghề, phát triển kỹ thuật.

Phân tích sâu về những chính sách tạo nguồn lực cho y tế cơ sở, Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: “Hiện Trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong chính ngành y tế và trong suy nghĩ của người dân bằng việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đây sẽ tạo đà cho y tế cơ sở phát triển”. Với những nhân viên là y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học đang công tác tại trạm y tế, Ngành khuyến khích, tạo điều kiện học liên thông vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Hiện Ngành Y tế đang phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội Tổ chức đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mới đây, Ngành phối hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến cho nhân viên y tế cơ sở nâng cao cung ứng dịch vụ y tế theo ba cấp chuyên môn và phát triển hệ thống cấp cứu tại cộng đồng trước khi vào bệnh viện. Đặc biệt ngành cũng tiến hành xây dựng mạng lưới trạm y tế xã, phường tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên.

Từ các góc độ tiếp cận cho thấy, Ngành y tế cần giải quyết thõa đáng nhu cầu nhân lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Với vị thế là một tỉnh phát triển công nghiệp lớn nhất của cả nước, Bình Dương rất cần khẳng định mọi mặt để phát triển bền vững trong chặng đường phía trước mà nguồn nhân lực y tế cơ sở có vai trò quyết định đến chất lượng y tế của địa phương.   

Kim Hà

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên