Trân trọng người tài

Cập nhật: 31-03-2011 | 00:00:00

Tuần vừa qua, tại tỉnh đã có buổi hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm giữ chân người tài của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản”. Giáo sư - Tiến sĩ Yoshiaki Takahashi - trường Chuo University Tokyo và các học giả trong nước đã trình bày các tham luận về “Kinh nghiệm giữ chân người tài” của các DN Nhật Bản, Việt Nam cũng như một số quốc gia trong khu vực. Hội thảo này đã góp phần cho các DN trong, ngoài tỉnh có cách nhìn nhận đúng đắn về công tác nhân sự, phát hiện và sử dụng tốt người tài.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; vì vậy từ ngàn xưa dân tộc ta đã trân trọng, tôn vinh người tài; đặc biệt đối với người tài đức vẹn toàn. Người tài - dứt khoát là phải có tài năng nhất định ở lĩnh vực nào đó; rộng thì cả thế giới, quốc gia, hẹp thì ở địa phương, DN... song đều phải được xã hội thừa nhận, đánh giá cao. Một số người tài là do bẩm sinh, phần lớn vẫn là nỗ lực bản thân tự rèn luyện và do công lao đào tạo. Họ có cống hiến nổi trội hơn người bình thường trong cộng đồng, lúc đầu không dễ nhận ra, dần dà mới thấy sự đóng góp của họ “ích nước, lợi dân”.

Thời nào cũng có người tài, nơi đâu cũng có người tài; song họ thường ẩn, khó thấy nếu như không lưu tâm tìm kiếm người tài để giao việc, phát huy tài năng của họ. Phần đông người có thực tài thường khiêm tốn, có lòng tự trọng cao, ghét thói xu nịnh giả trá; họ có tính khí độc lập, chính kiến rõ ràng nên không kéo bè lập cánh, a dua theo đuôi thiên hạ. Với cách nhìn nhận thẳng thắn, “trung ngôn nghịch nhĩ” nên họ thường ít bạn bè; cầu toàn, khắt khe với bản thân nên dễ bị xem là thiếu hòa đồng, hẹp lượng...

Người tài thường mong có điều kiện làm việc tốt, phù hợp để thi thố tài năng, sở học. Họ nỗ lực để được nhìn nhận; song chế độ đãi ngộ cần được rạch ròi, không hứng thú với mức đãi ngộ theo chủ nghĩa bình quân, “sống lâu lên lão”; đặc biệt chán nản khi thấy nhà quản lý tin dùng kẻ kém tài, giỏi nịnh. Người tài sẽ thêm khát khao, cống hiến khi được ở trong môi trường làm việc tốt, có cơ hội thăng tiến và được trân trọng. Xem thế thì người tài không hiếm nhưng liệu có nhận ra, có quy tụ được họ toàn tâm, toàn ý hết lòng vì sự nghiệp chung hay không tùy thuộc vào cái tài của nhà quản lý.

Còn gì hạnh phúc hơn khi dưới tay của nhà quản lý có nhiều người tài ở nhiều lĩnh vực, “dốc sức, dốc lòng”. Xét cho cùng, chính nhà quản lý có thực tài không nhỏ - biết thu phục, sử dụng người tài.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên