Tránh để lãng phí nguồn lực lao động

Cập nhật: 13-08-2024 | 07:53:34

Cùng với tài nguyên và vốn, nguồn lực lao động cũng là yếu tố đem lại sự thành công cho một địa phương, một khu vực hay rộng hơn là một quốc gia. Tận dụng tốt nguồn lực lao động không chỉ để phát triển kinh tế mà còn tạo ra động lực để bứt phá, đưa địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn trên nhiều lĩnh vực. Trong thời gian qua, Bình Dương là địa phương tận dụng tốt nguồn lực lao động để phát triển. Tuy nhiên, với xu hướng sản xuất xanh và sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, đang kéo theo những hệ lụy về tình hình lao động…

Những đòi hỏi khắc khe về sản phẩm thân thiện với môi trường từ các thị trường nhập khẩu hàng hóa đang buộc nhà sản xuất chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng ngày càng xanh hơn.

Cùng với đó, sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ đã và đang đem đến hệ lụy dư thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu lao động chất lượng cao. Tất cả những vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ với người lao động mà còn đối với cả nhà quản trị lao động. Làm thế nào để có thể vừa tận dụng tốt nguồn lực lao động hiện có, đồng thời phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao, không gây lãng phí tiền bạc, công sức để đào tạo lại nguồn nhân lực là bài toán cần có lời giải đáp. Đối với xu hướng chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, nhu cầu lao động tại các nhà máy, xí nghiệp cũng đòi hỏi chất lượng hơn.

 Mặc dù vẫn còn thâm dụng lao động, nhưng những nhà máy, xí nghiệp xanh thiên về sử dụng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo với trình độ hiểu biết cao hơn. Do vậy, một bộ phận lao động có trình độ thấp, không có khả năng hội nhập với phương thức sản xuất mới sẽ bị đào thải.

 Đây sẽ là gánh nặng cho bảo hiểm xã hội khi phải chi thêm ngân sách cho nhóm lao động mất việc làm, thất nghiệp, cần được học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Cùng với đó, khoa học công nghệ phát triển nhanh đã đem đến sự so sánh của người sử dụng lao động về việc tiếp tục giữ chân người lao động bằng công nghệ cũ, lạc hậu hay thay thế công nghệ mới để giải phóng sức lao động.

Với công nghệ cũ, lạc hậu thì thâm dụng lao động sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư, nhưng với các thế hệ dây chuyền máy móc đời mới, tự động hóa cao, đầu tư công nghệ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhà đầu tư. Một khi nhà đầu tư chọn công nghệ để giải phóng sức lao động, chắc chắn một bộ phận lao động sẽ dôi dư và nếu không có giải pháp điều tiết sẽ dẫn tới việc lãng phí nguồn nhân lực. Xu hướng sản xuất xanh và thay đổi công nghệ để giải phóng sức lao động đang diễn ra. Xu hướng này được nhận định sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Do vậy, để tiếp tục tận dụng tốt nguồn lực lao động hiện có phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, các ngành chức năng cần tính toán giải pháp kịp thời điều tiết nguồn lao động dôi dư từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác một cách hợp lý, tránh tình trạng phải đào tạo lại gây lãng phí tiền bạc và công sức. Cùng với đó, các ngành chức năng cần nâng cao tính dự báo thị trường lao động. Có như vậy, nguồn lực lao động mới được tận dụng tối đa, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=200
Quay lên trên