Trong cơn bão giá: Đừng để “té nước theo mưa”!

Cập nhật: 01-04-2010 | 00:00:00

Bài viết “Đến cơm bụi cũng tăng giá” trên số báo ra ngày 30-3 của tác giả Hòa Nhân phản ánh việc một tiệm cơm hè phố trên đường 30-4, phường Phú Hòa, TX.TDM nâng giá bán dĩa cơm gần gấp rưỡi mà chất lượng cơm và thức ăn còn giảm hơn so với trước. Qua phân tích của tác giả về giá đầu vào của lương thực thực phẩm thì giá bán như thế là không hợp lý, quán này đã lợi dụng việc Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng để nâng giá ăn theo, đây là việc làm “té nước theo mưa” làm nhiều bạn đọc bất bình.

Trên đây chỉ là một đơn cử điển hình. Thật vậy, theo phản ánh của người dân, giá cả lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu ở các chợ trên địa bàn vẫn đứng ở mức cao so với trước Tết Canh Dần. Nguyên nhân là do yếu tố tâm lý “mọi thứ đều tăng giá” nên các hộ kinh doanh, bán lẻ cứ đẩy giá lên cao, có mặt hàng tăng gần từ gấp rưỡi đến gấp đôi như rau xanh, các dịch vụ ăn uống hè phố... Mặc dù giá bán nông sản, thực phẩm của nông dân có tăng nhưng không đáng kể.

Trước cơn bão giá bất hợp lý, dư luận xã hội rất quan tâm và mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá cả, các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ lên cao, các hành vi đầu cơ găm hàng thu lợi bất chính của các tổ chức, cá nhân đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc để góp phần sớm bình ổn giá cả. Để chống lại hành vi “té nước theo mưa”, ngành điện lực đã tổ chức kiểm tra việc thu tiền điện ở một số khu nhà trọ và đã kịp thời xử lý những chủ hộ nhà trọ thu tiền điện quá giá quy định. Việc làm trên của ngành điện được mọi người đồng tình. Ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng cũng đã rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi măng, sắt thép... để chủ động, kịp thời can thiệp thị trường, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến.

Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương quyết tâm là vậy, nhưng diễn biến giá cả thị trường có nhiều phức tạp cần có sự hưởng ứng của toàn xã hội. Trước hết là sự tự giác của các hộ kinh doanh cần tính đúng tính đủ để có giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, bên cạnh đó, chính từng người dân cũng cần chủ động trong việc mua sắm, tiêu dùng một cách hợp lý sẽ góp phần chống lại cơn bão giá, ổn định giá cả thị trường. XUÂN QUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=310
Quay lên trên