Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Cái nôi của mỹ thuật Bình Dương - Kỳ 2

Cập nhật: 20-11-2021 | 10:18:15

Kỳ 2: Tự hào với bề dày lịch sử hình thành và phát triển

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 120 năm thành lập, ngày 19-11, Ban Giám hiệu trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (TC MT-VH) Bình Dương đã tổ chức chương trình họp mặt cựu giáo viên, cựu học sinh qua các thời kỳ. Ngoài việc ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của trường, các thế hệ thầy trò còn giao lưu, trao đổi về những kỷ niệm gắn bó với ngôi trường truyền thống này.


Các cựu giáo viên, cựu học sinh của trường tham gia giao lưu trong buổi họp mặt

Tự hào ngôi trường có bề dày lịch sử

Trong chương trình họp mặt, các thế hệ thầy trò trường TC MT-VH Bình Dương đã cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành và phát triển ngôi trường từ khi thành lập đến nay. Thầy Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TC MT-VH Bình Dương cho biết, đến nay, trường TC MT-VH Bình Dương đã có nhiều lần đổi tên. Tiền thân là trường Mỹ Nghệ bản xứ Thủ Dầu Một, đây là một trong những trường Mỹ Nghệ ứng dụng ra đời sớm nhất ở Đông Dương do chính quyền thuộc địa mở từ năm 1901 (còn gọi là trường Bá Nghệ). Đầu năm 1932, trường đổi tên là trường Mỹ Nghệ thực hành Thủ Dầu Một. Từ 1964-1975 trường đổi tên là trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương. Trường đã mở thêm ngành đào tạo kỹ thuật như kỹ nghệ sắt và điện kỹ nghệ; phương pháp đào tạo và các ngành nghề truyền thống vẫn được duy trì, bổ sung thêm phần lý thuyết, giảng dạy thực hành bài bản hơn.

Giai đoạn sau ngày 30-4- 1975, trường chuyển từ kỹ thuật sang mỹ thuật thuần túy, đổi tên là trường Trung học Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé. Năm 2000, trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương. Từ tháng 10-2007, trường đổi tên thành trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Tháng 8-2012, trường Trung cấp Mỹ thuật và trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch hợp nhất thành trường TC MT-VH Bình Dương.

Cùng nhau ôn lại chặng đường 120 năm qua, các thế hệ thầy trò trường TC MT-VH Bình Dương hết sức xúc động trước sự phát triển của trường hôm nay và tự hào khi được gắn bó với ngôi trường này. Trong những câu chuyện mà các thế hệ thầy trò trong chương trình giao lưu tại buổi họp mặt đã chia sẻ không chỉ là những kỷ niệm, ký ức sâu sắc trong lòng mỗi người về nơi mà họ từng gắn bó, về hành trang mà họ được đào tạo ban đầu tại ngôi trường này để tạo đà phát triển hơn trong nghề nghiệp... mà còn chứa đựng nhiều điều trăn trở, gợi mở cho định hướng phát triển của trường trong thời gian tới.

Thầy Nguyễn Chí Chánh, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đến bây giờ thầy vẫn không quên những ngày đầu vượt khó để được theo học tại ngôi trường này. Từ ngôi trường này, thầy đã từng bước trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, trở thành giáo viên, rồi nhà quản lý nhưng vẫn không quên sáng tác để thỏa đam mê cũng như phục vụ cho việc dạy học. Thầy Chánh bày tỏ: “Xin cho tôi gửi cảm ơn đến những bậc tiền nhân, những người sáng lập ra ngôi trường này và phát triển đến ngày hôm nay. Từ những giá trị lịch sử, ngành nghề đào tạo truyền thống được duy trì trong thời gian qua, hy vọng trường sẽ ngày càng phát triển hơn, góp phần giữ gìn, phát huy các nghề truyền thống và mở ra các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại”.

Ngồi lại bên nhau nhân dịp lễ kỷ niệm 120 năm thành lập trường cũng đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ban giám hiệu nhà trường đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các giáo viên từng gắn bó, đóng góp vào sự phát triển của trường trong thời gian qua. Các cựu học sinh đã ra trường, có những thành công nhất định trong nghề nghiệp cũng quay về nơi đào tạo này để thấy được sự đổi mới, phát triển từng ngày của trường và tri ân thầy cô giáo đã từng dìu dắt mình những bước đi đầu tiên để vững bước hơn trên con đường nghề nghiệp.


 Khách tham quan cùng trao đổi về các tác phẩm mỹ thuật trưng bày bên trong khuôn viên trường

Trải qua bao thăng trầm và đổi thay, từ ngôi trường này, nhiều thế hệ nhà giáo đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh đầy tài năng, tỏa đi khắp nơi. 120 năm, một khoảng thời gian đủ dài để viết nên lịch sử ngôi trường gắn với những ngành nghề thủ công truyền thống của tỉnh Bình Dương. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập trường, các thế hệ thầy trò có dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại kỷ niệm, trao đổi những kinh nghiệm trong giảng dạy, học tập và công tác để tiếp tục nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa nhằm phát huy truyền thống yêu nghề, hiếu học, cầu tiến, sáng tạo để đưa ngôi trường với bề dày lịch sử 120 năm tuổi vươn lên tầm cao mới, góp phần xứng đáng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Không gian sinh hoạt văn hóa

Hướng tới lễ kỷ niệm 120 năm thành lập trường, thời gian qua, trường TC MT-VH Bình Dương đã “bắt tay” vào việc cải tạo lại không gian bên trong khuôn viên trường gắn liền với những hoạt động của trường. Một không gian văn hóa mới đã từng bước hình thành với những tiểu cảnh được trang trí đẹp mắt, phục vụ nhu cầu thưởng lãm và chụp hình kỷ niệm của khách tham quan. Cảnh quan khu vực xung quanh trường cũng được cải tạo lại đẹp hơn. Bên cạnh những tác phẩm mỹ thuật trên các lĩnh vực sơn mài, điêu khắc, mộc, hội họa... còn có những bức tranh tường miêu tả cảnh sinh hoạt dạy và học nghề truyền thống của nhà trường.

Cũng trong dịp này, trường còn tổ chức trưng bày các tác phẩm do thầy và trò nhà trường sáng tác trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, giảng dạy và học tập tại trường. Trong những tác phẩm mỹ thuật trưng bày phục vụ lễ kỷ niệm, có rất nhiều tác phẩm của các giáo viên từng đạt các giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là không gian âm nhạc, tân cổ giao duyên do các giáo viên nhà trường biểu diễn phục vụ khách mời.

Thầy Lê Quang Lợi cho biết, tận dụng những ưu thế sẵn có về truyền thống, vị trí địa lý, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, trong thời gian tới, trường sẽ xây dựng một số mô hình mở phục vụ khách tham quan. Trong những không gian đó, các giáo viên sẽ tham gia biểu diễn về âm nhạc, mỹ thuật, cùng với những tiết mục sân khấu hóa... Trường cũng đang xin chủ trương để nâng cấp, tu bổ lại di tích lịch sử - văn hóa (khu nhà xưởng) nhằm phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới để trở thành điểm đến hấp dẫn phục vụ nhu cầu tham quan của du khách trong tuyến du lịch đường sông. (Còn tiếp)

“Từ khi thành lập đến nay, trường đã từng bước phát triển, từ dạy nghề đến lý thuyết khoa học và thực hành, rồi kế tiếp là giáo dục chuyên nghiệp về chuyên ngành mỹ thuật, đã góp phần xác lập một hệ thống đào tạo chính quy về mỹ thuật. Trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, từ thủ công đến thợ thủ công lành nghề rồi danh xưng họa sĩ, nhà thiết kế, đã có đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội ở trong và ngoài nước”,

(Thầy Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TC MT-VH Bình Dương).

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3490
Quay lên trên