Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Cái nôi của mỹ thuật Bình Dương - Kỳ 3

Cập nhật: 22-11-2021 | 10:03:08

Kỳ 3: Đào tạo những thế hệ học trò tài danh

 Từ “cái nôi” đào tạo trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (TCMT-VH) Bình Dương, nhiều thế hệ học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã trở thành những nghệ sĩ, họa sĩ có tiếng và ngày càng phát triển hơn trong nghề. Hoạt động nghề nghiệp, sáng tác của họ đã đóng góp tích cực trong việc giữ gìn, phát triển những ngành nghề truyền thống của tỉnh cũng như phát huy chuyên ngành mà mình đã được đào tạo từ ngôi trường có bề dày lịch sử 120 năm tuổi này.

 NNƯT Nguyễn Hữu Sang bên những tác phẩm sơn mài của mình

 Người nghệ nhân ưu tú của nghề sơn mài Bình Dương

Họa sĩ - Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Sang sinh năm 1938, là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương. Năm 1952, ông vào học nghề tại trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (tên gọi của trường TCMT-VH Bình Dương lúc bấy giờ) khi mới 14 tuổi, là học sinh nhỏ nhất trong khóa học năm đó. Dù nhỏ tuổi nhưng lại khéo léo, có năng khiếu về vẽ nên một năm sau, khi các học sinh chọn môn năng khiếu của mình để học chuyên ban, ông được thầy giáo giữ lại học khoa sơn mài.

4 năm sau, ông tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu chuyên ngành sơn mài. Ông vào làm tại một số cơ sở sơn mài lớn trên địa bàn tỉnh. Với năng khiếu của mình, ông rất được trọng dụng và được trả mức lương khá cao so với tuổi nghề của mình. Ông được Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ Sài Gòn mời về làm chuyên viên khi mới ngoài 20 tuổi. Hai năm sau, ông được chuyển ra phụ trách trung tâm tại Huế. Từ những điều mình học được ở trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, trong môi trường làm việc này, ông có dịp sáng tạo nhiều hơn, tay nghề từ đó cũng ngày càng phát triển hơn. Trong thời gian công tác ở Huế, với tài năng của mình về sơn mài, ông được trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế mời làm giáo viên thỉnh giảng cho sinh viên của trường.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đưa gia đình nhỏ của mình trở về quê hương Bình Dương sinh sống đến tận bây giờ. Từ năm 1975- 1989, ông công tác tại trường TCMT-VH Bình Dương, từ giáo viên, rồi trở thành Trưởng khoa sơn mài. Sau khi nghỉ việc ở trường, ông không đi làm ở đâu nữa mà chỉ sáng tác tự do tranh sơn mài để thỏa chí đam mê của mình đối với dòng tranh nghệ thuật truyền thống này.

Hiện nay ông còn lưu lại khoảng 60 bức tranh sơn mài lớn, nhỏ để làm kỷ niệm cho quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, trong đó có tác phẩm làm theo hình thức sơn mài đắp nổi có trị giá đến 1 tỷ đồng. Trong quá trình sáng tác của mình, ông từng gửi tác phẩm dự thi nhiều nơi. Trong đó, tác phẩm tranh sơn mài “Đàn gà” của ông đoạt Huy chương bạc tại hội thi triển lãm Tiểu thủ công mỹ nghệ (tại Hà Nội) vào năm 1987. Năm 2013, ông được tặng danh hiệu NNƯT vì đã có cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Năm nay, NNƯT Nguyễn Hữu Sang đã bước sang tuổi 83 và đã ngừng sáng tác từ mấy năm trước, nhưng mỗi khi có dịp nói chuyện về nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương, tình yêu sơn mài truyền thống trong ông vẫn như ngày nào. Chia sẻ về nơi “ươm mầm” nghệ thuật và cũng là nơi ông từng tham gia đào tạo nên nhiều thế hệ học trò lành nghề, NNƯT Nguyễn Hữu Sang bộc bạch: “Điều mong muốn duy nhất của tôi là thấy trường ngày càng phát triển, sớm trở thành trường cao đẳng để kế thừa, phát triển hơn nữa những ngành nghề truyền thống cũng như khẳng định được tên tuổi của một ngôi trường nghề được hình thành sớm nhất và có bề dày lịch sử”.

Nơi chắp cánh đam mê sáng tạo

Châu Trâm Anh là cái tên còn rất trẻ trong giới điêu khắc (anh sinh năm 1985) nhưng lại được rất nhiều người biết đến bởi tài năng của mình. Đến nay, anh đã có rất nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao ở cấp toàn quốc, khu vực và cấp tỉnh. Một điều đặc biệt nữa là anh cũng là một trong những học trò xuất thân từ “chiếc nôi” đào tạo trường TCMT-VH Bình Dương.

 Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh

Có năng khiếu vẽ mỹ thuật từ nhỏ, năm 2000 anh thi vào trường TCMT-VH Bình Dương. Năm 2004, sau khi ra trường, anh đi làm khoảng 1 năm và bắt đầu thi vào đại học để tiếp tục nâng cao trình độ, tay nghề. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học, dù được giữ lại làm việc, nhưng với suy nghĩ quê hương là nơi chắp cánh cho mình phát triển nên anh đã quyết định trở về Bình Dương làm việc. Từ đó đến nay, anh đầu quân làm giáo viên khoa điêu khắc trường TCMT-VH Bình Dương. “Quê hương là chiếc nôi đào tạo và chắp cánh cho mình phát triển. Trường TCMT-VH Bình Dương cũng giống như ngôi nhà lớn của nghề mỹ thuật Bình Dương, vì thế mình quyết định về đây để có thể tiếp xúc được với nhiều thế hệ thầy và trò. Bình Dương còn có những làng nghề truyền thống, có những nghệ nhân nổi tiếng... là môi trường thuận lợi để mình tiếp xúc, học hỏi và ngày càng phát triển hơn”, Châu Trâm Anh chia sẻ.

 Quá trình đào tạo của nhà trường trong 120 năm qua so với lịch sử có thể không dài, nhưng trường đã trải qua không ít những khó khăn thách thức, có lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường luôn tâm huyết, yêu nghề với sự nghiệp “trồng người”, “tận tụy, tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu”... Vì lợi ích tập thể và vì ngôi trường MT-VH 120 năm tuổi với truyền thống “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhà trường luôn xem chất lượng đào tạo, phẩm chất và tay nghề của học sinh là lẽ sống còn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên luôn tâm huyết với phương châm “Chỉ cho ra trường những “sản phẩm” được đào tạo chất lượng nhất, bài bản nhất” theo đúng phương châm mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang định hướng”.

(Thầy Phạm Văn Ngàn, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương)

Những thành quả sáng tạo của Châu Trâm Anh khi đến với nghệ thuật điêu khắc trong thời gian qua đã khẳng định anh đã chọn đúng nghề cho tương lai. Trong hơn 20 tác phẩm đã đạt giải ở các cấp của anh, nổi bật có tác phẩm “Biển” đạt giải đặc biệt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2010; tác phẩm “Gia tài” đạt giải C cuộc vận động sáng tác và triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh toàn quốc đề tài dân tộc thiểu số, miền núi các tỉnh khu vực phía Nam tổ chức tại An Giang năm 2011; tác phẩm “Ươm mầm” đạt giải A cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2014...

Ngoài công việc dạy học, để thỏa niềm đam mê và sáng tạo của mình, anh còn mở một cơ sở mỹ thuật ở TX.Bến Cát để ngày ngày sáng tác, sống với niềm đam mê điêu khắc. Mặc dù khá bận rộn với công việc sáng tác và cả kinh doanh nhưng anh quan điểm việc học là mãi mãi. Đó cũng là động lực để anh tiếp tục học lên cao hơn và đã tốt nghiệp cao học tại trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh vào năm 2019.

Chia sẻ về nhà điêu khắc trẻ Châu Trâm Anh, thầy Nguyễn Chí Chánh, nguyên Phó Hiệu trưởng trường TCMT-VH Bình Dương, nói: “Châu Trâm Anh là thế hệ học trò thứ 4 của trường Mỹ thuật Bình Dương. Trong các kỳ triển lãm của địa phương và khu vực, tác phẩm của Châu Trâm Anh được đánh giá rất tốt, luôn có những nét mới, hình khối được trau chuốt đem vào tác phẩm để người xem cảm nhận vẻ đẹp tinh tế, giàu sức sống. Với sức trẻ, nhà điêu khắc Châu Trâm Anh là một tài năng sẽ tỏa sáng trong tương lai”. (Còn tiếp)

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1254
Quay lên trên