Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương: Cái nôi của mỹ thuật Bình Dương - Kỳ 4

Cập nhật: 23-11-2021 | 08:23:17

Kỳ 4: Góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống

 Trong 120 năm qua, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (TCMT-VH) Bình Dương vẫn duy trì đào tạo những ngành nghề có tính đặc thù, thể hiện truyền thống, đặc trưng của vùng đất Bình Dương. Nỗ lực này của trường đã góp phần giúp tỉnh gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống với những sản phẩm chất lượng cao, độc đáo, được nhiều người biết đến.

 Hc sinh ngành thiết kế đ g trưng TCMT-VH Bình Dương trong gi thc hành

 Giữ vững truyền thống

Nhắc đến Bình Dương, nhiều người biết đến những ngành nghề truyền thống gắn với sự phát triển của tỉnh là gốm sứ, sơn mài, chạm khắc gỗ, điêu khắc... Chính sự ra đời và hoạt động của trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một, nay là trường TCMT-VH Bình Dương từ rất lâu đời đã góp phần gìn giữ những ngành nghề truyền thống của một tỉnh ở vùng Đông Nam bộ.

 TÍNH ĐẾN THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI, TRƯỜNG ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP CÁC NGÀNH: THIẾT KẾ ĐỒ HỌA, THIẾT KẾ THỜI TRANG, THIẾT KẾ ĐỒ GỖ, SƠN MÀI, ĐIÊU KHẮC, THANH NHẠC, QUẢN LÝ VĂN HÓA, HƯỚNG DẪN DU LỊCH. NGOÀI RA, TRƯỜNG CÒN ĐÀO TẠO 9 NGÀNH Ở TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP.

Đây là ngôi trường mỹ thuật được hình thành sớm nhất để phát triển thủ công nghiệp của vùng đất Thủ Dầu Một. “Trải qua quá trình hoạt động, trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một trở thành cái nôi đào tạo ra đội ngũ những nghệ nhân lành nghề và có văn hóa cao, tạo cú hích lớn cho các nghề thủ công nghiệp đất Thủ, trong đó tiêu biểu nhất là nghề sơn mài. Sự ra đời của trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một với chương trình, nội dung đào tạo bài bản đã tạo nên bước chuyển quan trọng đối với nghề sơn mài”, Thạc sĩ Nguyễn Đình Cơ, giảng viên trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh, nhận định.

Thực tế từ lịch sử 120 năm có thể thấy, những năm đầu mới thành lập, trường đã đào tạo những nghề gắn với mỹ thuật Đông Nam bộ. Từ năm 1913, trường đã mở lớp dạy đồ gỗ, điêu khắc, sơn mài. Đây chính là trường có ban dạy sơn mài đầu tiên ở Việt Nam. Theo sự thay đổi của xã hội, có những giai đoạn trường mở thêm các ngành nghề khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, trường đã qua nhiều lần đổi tên và đào tạo các chuyên ngành như thiết kế gỗ, trang trí nội thất, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí, đồ họa công thương nghiệp. Từ năm 2004, trường mở thêm ngành thiết kế thời trang.

Tiếp tục duy trì và phát triển

120 năm qua, theo sự thay đổi ở từng giai đoạn lịch sử, trường TCMT-VH Bình Dương đã nhiều lần đổi tên. Tháng 8-2012, do hợp nhất giữa trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương và trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Dương, trường đổi tên thành trường TCMT-VH Bình Dương cho đến nay. Dù ở giai đoạn nào, trường vẫn duy trì đào tạo những ngành nghề truyền thống từ khi thành lập cho đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đào tạo trình độ trung cấp các ngành: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế đồ gỗ, sơn mài, điêu khắc, thanh nhạc, quản lý văn hóa, hướng dẫn du lịch. Ngoài ra, trường còn đào tạo 9 ngành ở trình độ sơ cấp.

Có thể thấy, đây là trường đào tạo các ngành năng khiếu, nên có những giai đoạn việc tuyển sinh gặp khó khăn. Tuy nhiên, trường vẫn duy trì những ngành nghề đào tạo có tính truyền thống, mang bản sắc riêng của tỉnh nhà. Thạc sĩ Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương, cho biết tính đến thời điểm hiện nay, trong số học sinh đã tốt nghiệp từ ngôi trường MT-VH Bình Dương có 256 người được đào tạo đại học, 31 thạc sĩ, 2 tiến sĩ, số còn lại đang làm việc trong các doanh nghiệp, công ty, các cơ sở sản xuất đa phần đều có uy tín nhờ kỹ năng tay nghề cao; trong đó nhiều người trở thành giám đốc, trưởng phó phòng, quản đốc công ty, xí nghiệp và cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ...

Năm 2021 này nhà trường kỷ niệm 120 năm thành lập. Trong câu chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ, họa sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, tâm tư trong những năm gần đây anh em họa sĩ Bình Dương đã nỗ lực phục hồi truyền thống sơn mài nhưng cũng rất khó khăn vì thị trường. Nên chăng nhà trường nên phát triển khoa mỹ thuật ứng dụng vì xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống xã hội càng nhiều, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất đều cần bàn tay thẩm mỹ của con người trong lĩnh vực này... (Còn tiếp)

Ông Phạm Văn Ngàn, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương: Trong giai đoạn hiện nay, đời sống xã hội, hoạt động giáo dục - đào tạo có những thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh đang có những chuyển động đổi mới tích cực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trường TCMT-VH Bình Dương phải chủ động để phát triển, phải xây dựng cho được đội ngũ lãnh đạo quản lý, viên chức, người lao động vừa có tâm, vừa có tầm, có phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn giỏi, yêu nghề, tận tụy với công việc, gắn bó với nhà trường.

Thạc sĩ Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương: Từ khi thành lập đến nay, trường đã từng bước từ dạy nghề đến lý thuyết khoa học và thực hành, rồi kế tiếp là giáo dục chuyên nghiệp và chuyên ngành mỹ thuật, đã góp phần xác lập một hệ thống đào tạo chính quy về mỹ thuật. Trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, từ thủ công đến thợ thủ công lành nghề rồi danh xưng họa sĩ, nhà thiết kế; đã có đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội ở trong và ngoài nước.

Thạc sĩ - họa sĩ Phạm Thị Hồng Xuyến, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương: Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một được thành lập vào năm 1901 đã góp phần định hình nên những nghệ nhân, nghệ sĩ có tên tuổi làm vẻ vang nền mỹ thuật Bình Dương. Năm 1986, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương thành lập, hình thành một đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình phù hợp với yêu cầu thực tế và các xu thế mỹ thuật hiện đại. Từ trường Bá nghệ Thủ Dầu Một xưa cho đến ngày nay là trường TCMT-VH Bình Dương, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Đội ngũ giáo viên của trường Mỹ thuật Bình Dương xưa và nay là những họa sĩ, nhà điêu khắc, một lực lượng hùng hậu của chuyên ngành mỹ thuật Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Dương.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1102
Quay lên trên