Kỳ cuối: Vượt khó và khẳng định chất lượng đào tạo
Trải qua bao thăng trầm lịch sử và những khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh, dù lượng học sinh theo học ở các khoa không nhiều, nhưng chất lượng đào tạo của trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa (TCMT-VH) Bình Dương qua các giai đoạn luôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó đã được khẳng định bởi những lớp học sinh ra trường lành nghề, tiếp tục phát triển thành công trong nghề nghiệp cũng như đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi về mỹ thuật.
Giáo viên hướng dẫn cho học sinh Khoa Thiết kế đồ họa
Vượt khó đi lên
Trong thời kỳ Pháp thuộc, đầu tiên trường Mỹ nghệ Bản xứ Thủ Dầu Một đã đào tạo thợ thủ công mỹ nghệ làm nghề mộc. Rồi trường đổi tên thành Mỹ nghệ thực hành đào tạo lý thuyết khoa học và thực hành, kết hợp thủ công với kỹ thuật sử dụng thiết bị máy móc trong các ngành điêu khắc, sơn mài, vẽ kiểu mộc và trang trí. Đặc biệt, trường chuyên đào tạo thợ mộc cao cấp, không chỉ thuần túy đóng kèo nhà, cột tường, bàn ghế, tủ thông thường, mà là thợ giỏi về trang trí nội thất mang tính thẩm mỹ cao như một số nhà điêu khắc, họa sĩ nội thất vừa có tư duy thẩm mỹ, vừa chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng.
Thầy Lê Quang Lợi, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương, nhìn nhận: “Trong giai đoạn này, nghề thủ công bản địa của trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một đã lan rộng, các xưởng thiết kế và sơn mài mọc lên vừa làm nơi thực tập, vừa tuyển dụng học sinh đã tốt nghiệp đến làm việc đã tác động việc chuyển hóa công tác đào tạo dạy nghề đến việc cung cấp nguồn nhân lực nghệ nhân giỏi phục vụ nhu cầu thị trường lao động có tay nghề cao, góp phần phát triển nghề truyền thống ở địa phương và khu vực. Từ đó, đã hình thành lớp nghệ nhân đầu tiên trên đất Thủ có tay nghề giỏi, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, trở thành những nhân vật trụ cột trong giảng dạy, đào tạo nghề và mở mang sự nghiệp mỹ thuật truyền thống sau này”.
Đến nay, trường đã được đổi tên 4 lần. Mỗi lần đổi tên, mục tiêu đào tạo của trường cũng thay đổi, từ mỹ thuật công nghiệp sang kỹ thuật, thêm sư phạm mỹ thuật và hiện nay là đào tạo mỹ thuật - văn hóa. Theo thầy Phạm Văn Ngàn, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TCMT-VH Bình Dương, cho biết trong 120 năm qua, công tác đào tạo của nhà trường đã trải qua không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với phương châm truyền thống “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của trường, các thế hệ quản lý, nhà giáo của trường luôn đặt chất lượng đào tạo, tay nghề học sinh lên hàng đầu. Cho nên, ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà trường vẫn giữ vững truyền thống, duy trì các ngành nghề đào tạo, mở thêm các ngành nghề mới, đào tạo nghề ngắn hạn tại trường và tại doanh nghiệp, bảo đảm tốt chất lượng giảng dạy về lý thuyết, thực hành. Vì thế, học sinh sau khi ra trường đã trở thành những người thợ lành nghề, nhiều người trở thành nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc... phát triển hơn trong nghề nghiệp và tạo được tiếng tăm trong giới mỹ thuật.
Học sinh Khoa Điêu khắc thực hành tại xưởng
Khẳng định chất lượng
Dù trải qua không ít khó khăn, thách thức trong công tác tuyển sinh hàng năm, nhưng những gì mà trường đã tạo dựng, đạt được trong thời gian qua đã khẳng định thêm một lần nữa về chất lượng đào tạo gắn với ngôi trường lịch sử này trên đất Bình Dương trong 120 năm qua.
Qua từng thời kỳ, nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết và sáng tạo. Các thầy cô cũng chính là tấm gương tự học, tự nghiên cứu, đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học. Với sự tận tâm, tận tụy trong nghề, các thầy cô giáo của trường TCMT-VH Bình Dương đã đào tạo cho quê hương, đất nước rất nhiều thế hệ học trò có đầu ra chất lượng. Nhiều người tiếp tục học lên cao hơn, trở thành những thầy cô giáo tiếp tục truyền dạy kiến thức cho thế hệ đi sau; trở thành những họa sĩ, nghệ nhân, nhà điêu khắc... nổi tiếng với những phát triển nhất định trong nghề nghiệp. Trong đó, thầy Lê Quang Lợi là một điển hình trong số những học sinh trưởng thành từ ngôi trường này.
Thầy Lợi chia sẻ, để theo đuổi đam mê về mỹ thuật, thầy đã đăng ký theo học nghề tại trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Sau khi ra trường, vừa làm, vừa học, đến nay thầy đã tốt nghiệp đại học, rồi cao học tại trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Từ giáo viên, thầy đã phấn đấu không ngừng và trở thành Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường hiện nay. Trong quá trình công tác ở trường, vừa giảng dạy truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò, thầy còn tham gia sáng tác và đạt nhiều giải thưởng cao. Đặc biệt, trong đó có giải nhất và giải khuyến khích đợt vận động sáng tác tranh cổ động toàn quốc tuyên truyền Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM5) do Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa - Thông tin) tổ chức năm 2004; giải nhất sáng tác biểu tượng tỉnh Bình Dương vào năm 2006.
Thầy Lợi tâm niệm, Bình Dương là quê hương, trường TCMT-VH là “cái nôi” nuôi dưỡng, chắp cánh cho niềm đam mê nghệ thuật của mình. Cùng với thầy Lợi, trong đội ngũ nhà giáo của trường hiện nay còn có nhiều người cũng đạt nhiều giải thưởng cao về mỹ thuật ở khu vực và của tỉnh như thầy Châu Trâm Anh, thầy Nguyễn Hoài Huyền Vũ (Khoa Điêu khắc), thầy Trương Bửu Sinh (Khoa Thiết kế đồ họa), thầy Nguyễn Tấn Công (Khoa Sơn mài)...
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, trường TCMT-VH Bình Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương. Chia sẻ về định hướng phát triển của trường trong thời gian tới, thầy Lê Quang Lợi, bày tỏ: “Trường rất cần có sự quan tâm đặc biệt từ phía chính quyền các cấp, sự đầu tư đúng mức các nguồn nhân lực, tạo cơ chế quản lý đặc thù giúp trường linh hoạt đổi mới, định hướng mục tiêu đào tạo nhằm khôi phục, kế thừa và phát huy tinh hoa ngành nghề truyền thống, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mỹ thuật để đáp ứng sự phát triển của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay và tương lai”.
HỒNG THUẬN