Từ chối hệ tại chức, liệu có công bằng?

Cập nhật: 16-08-2012 | 00:00:00

Hết Đà Nẵng, Hà Nam, bây giờ đến Quảng Nam từ chối không tuyển dụng những người có bằng tốt nghiệp đại học tại chức vì nghi ngờ chất lượng. Lại một lần nữa, dư luận đặt ra nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này. Có ý kiến thì cho rằng, đây là điều phù hợp với thực tế và yêu cầu công tác cán bộ hiện nay và trong tương lai. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quan niệm đó sẽ không công bằng với hệ tại chức, bởi nếu mô hình này đào tạo nghiêm túc từ đầu vào đến đầu ra thì chất lượng hệ tại chức vẫn như hệ chính quy...

Luật Giáo dục Việt Nam quy định không có sự phân biệt nào giữa bằng tại chức và chính quy. Giá trị của bằng tại chức tương đương với bằng chính quy vì yêu cầu và đòi hỏi là như nhau. Ngay như ở nước ngoài, khi thi tuyển viên chức chủ yếu bằng cách phỏng vấn với nhân sự ứng tuyển chứ họ không quan tâm đến bằng cấp. Nói như thế nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một thực tế là không phải đến hôm nay mà ngay từ những ngày hệ tại chức nở rộ như một phong trào nhằm thay đổi tư duy xã hội, khơi dậy tinh thần hiếu học của cả dân tộc, các nhà giáo, nhà khoa học cũng rất băn khoăn, lo lắng về hệ quả của nó. Và đến hôm nay điều đó đã chứng minh, do quản lý hệ đào tạo tại chức còn luông lỏng từ khâu tuyển chọn đầu vào, quá trình đào tạo thì không thực chất, quá trình kiểm tra đánh giá thì hời hợt nên dẫn tới chất lượng đầu ra không tốt. Thậm chí có ý kiến cho rằng, hình thức hệ đào tạo tại chức này đang tồn tại nhiều tiêu cực. Đó là tình trạng giáo viên “xuống tỉnh” như những ông vua con; giáo viên khi giảng bài chỉ nêu đề mục và hướng dẫn học viên xem nội dung cụ thể trong tập tài liệu bán kèm...

Hệ đào tạo tại chức không xa lạ gì với nước ta và cũng là một mô hình đào tạo rất hiệu quả của nhiều nước phát triển. Ở các nước tiên tiến, người học có thể học dưới mọi hình thức miễn là bảo đảm chất lượng đầu ra. Nếu đạt chuẩn chất lượng đầu ra thì người học mới được cấp bằng. Và chúng ta cũng phải ghi nhận một điều đáng trân trọng, ở nước ta có những tấm gương vượt khó học tập của những người trở về từ chiến tranh, từ các công trường, nhà máy quyết đến với giảng đường đại học thông qua hệ tại chức để đến hôm nay không ít người đã trở thành các nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, góp sức không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hệ đào tạo tại chức vẫn sẽ là đường đi được nhiều người lựa chọn. Việc “nói không” hoặc “từ chối” với hệ tại chức từ lâu cũng làm cho ngành giáo dục - đào tạo suy nghĩ và quyết tâm giảm chỉ tiêu cho hệ đào tạo này trong thời gian tới. Điều cần thiết và quan trọng là mỗi người khi bước vào đời cũng cần nhận ra mình, điều chỉnh chính mình; từng đơn vị, địa phương cũng cần nhìn nhận lại cách xem xét, đánh giá cán bộ sao cho đúng, cho hiệu quả nhằm tạo ra nguồn nhân lực thật xứng đáng để cống hiến vì sự nghiệp phát triển của đất nước hôm nay và mai sau.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=386
Quay lên trên