Tháng 3 có lẽ là cột mốc đáng nhớ của năm 2011, khi mà phương án tăng giá điện chính thức được áp dụng. Sáng qua (24-2), giá xăng, dầu cũng bắt đầu tăng theo, tạo nên sức ép cho mặt bằng giá chung trên thị trường. Dư luận người dân trong những ngày qua, một mặt kỳ vọng vào sự điều hành sáng suốt, hiệu quả của Chính phủ, mặt khác cũng biểu lộ sự lo lắng bởi muốn hay không thì “cơn bão giá” mới vẫn đang đến rất gần.
Có thể nói, xét về mặt tâm lý xã hội thì hiện nay đang là thời điểm “nhạy cảm”, bởi gần như cùng lúc Nhà nước có nhiều sự điều chỉnh về tỷ giá USD, giá điện... kèm theo đó là áp lực tăng giá xăng, dầu do kìm giá quá lâu đã cộng hưởng tác động, tạo nên cảm giác tăng giá dồn dập. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế thì mức độ tác động đến thị trường cũng như khả năng lạm phát của “chuỗi sự kiện” trên vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, tức không quá ghê gớm như nhiều suy luận vừa qua. Theo quy luật thị trường, khi Nhà nước từng bước thả lỏng giá các mặt hàng thiết yếu, giảm dần sự trợ cấp thì việc tăng giá hay xuống giá là tất yếu và hết sức bình thường. Trong bối cảnh nước ta, do thời gian qua Nhà nước đã kìm giá quá lâu nhiều mặt hàng (nhất là các loại nhiên liệu), trong khi thực tế mặt bằng giá chung của thế giới thì ngày càng cách xa nên khi “thả lỏng” dần sẽ tạo nên cảm giác tăng giá đột biến do biên độ giá đã chênh lệch quá lớn. Mặt khác, sự trợ giá tuy giúp kinh tế - xã hội ổn định trong thời gian nhất định nhưng cũng có hạn chế là tạo tâm lý ỷ lại, nhiều người quên rằng ngay trong chính sản phẩm mình mua (hay sản xuất) đã được Nhà nước trợ giá một phần trong đó. Chính vì vậy, khi quy luật thị trường đòi hỏi nền kinh tế phải vận hành linh hoạt tương ứng, buộc Nhà nước phải có sự điều chỉnh nhất định thì gây nên tâm lý lo lắng, nhất là khi nhiều mặt hàng thiết yếu lại lấy cột mốc tăng giá trong cùng thời điểm như lúc này.
Trước những diễn biến mới của thị trường kéo theo sự quan ngại về tâm lý người dân như hiện nay, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt, khéo léo áp lực về dư luận. Cần thông tin kịp thời, nhưng cũng phải bảo đảm tính đầy đủ để người dân hiểu rõ bản chất của việc tăng giá lần này nhằm tránh những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra. Xa hơn nữa, cần tuyên truyền, vận động để cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng thay đổi quan niệm lo sợ tăng giá do đã quá quen với việc được “bao cấp” về giá. Thay vào đó là suy nghĩ, tìm tòi các phương án sản xuất, chi tiêu ngày càng tiết kiệm, khoa học sao cho tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn, đồng tiền, phù hợp với điều kiện trước mắt và lâu dài khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, giảm dần sự trợ cấp của Nhà nước.
Tất nhiên, để “sân chơi” thị trường bình đẳng đúng nghĩa, cũng cần phải giải quyết đồng bộ nhiều nghịch lý khác từ phía nguồn cung như sự độc quyền, sự minh bạch trong đầu tư, lợi nhuận... Nhưng suy cho cùng, tất cả những việc ấy đều cần bắt đầu từ một yếu tố quan trọng: Thay đổi tư duy trông chờ bao cấp sang tư duy tự chủ, thích ứng và linh hoạt hơn.
L.M.T