Tính đến nay, tại Việt Nam mới có 2 môn võ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (TKBT) và võ cổ truyền Bình Định. Vì thế, việc võ lâm TKBT được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vui của ngành văn hóa Bình Dương mà còn là niềm tự hào của các thế hệ thầy trò môn võ này ở trong và ngoài tỉnh...
Võ sư Nguyễn Minh Trí tham gia truyền dạy võ Tân Khánh Bà Trà tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh
Tự hào võ lâm Tân Khánh Bà Trà
Võ sư Hồ Tường (Hồ Văn Tường) - con trai cố Đại võ sư - Chưởng môn Võ lâm TKBT Hồ Văn Lành, hiện đang sống tại TP.Hồ Chí Minh được xem là người có công lớn trong việc gìn giữ, truyền dạy, quảng bá Võ lâm TKBT. Ông cho biết môn võ lâm TKBT (hay còn gọi là Takhado) xuất phát từ tỉnh Bình Dương vào đầu thế kỷ XVII. Cùng với thời gian, võ TKBT đã góp phần tích cực vào công cuộc khai hoang, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và mở mang vùng đất Nam bộ. Ngoài Bình Dương là nơi sản sinh môn võ này, đến nay, võ lâm TKBT đã được phát triển tại các tỉnh, thành như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, Nghệ An…
Riêng võ sư Hồ Tường đã góp phần phát triển môn võ này từ năm 1966. Hiện nay, ông vẫn đang duy trì đều đặn công việc này tại Nhà Văn hóa thanh niên TP.Hồ Chí Minh. Chia sẻ với chúng tôi về sự kiện này, võ sư Hồ Tường không giấu được cảm xúc vui mừng. Ông nói: “Đó là điều vinh dự, bởi đây là môn võ mà các bậc tiền bối đã khai sáng ra để góp phần vào việc khai hoang vùng đất TKBT nói riêng, sau đó góp phần khai phá vùng đất Đông Nam bộ nói chung, từ đó mở rộng ra khắp nơi. Bên cạnh đó, môn võ này còn góp phần vào công cuộc giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt, sau này khi các võ đài được Pháp, Mỹ khôi phục trở lại, võ TKBT cũng góp phần dương danh võ Việt. Vì thế, việc võ lâm TKBT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là rất đáng tự hào đối với tôi cũng như các thế hệ học trò của môn võ này”.
Ở Bình Dương, võ sư Nguyễn Minh Trí là một trong những người gắn bó lâu năm với môn võ TKBT. Hiện ông vẫn đang tiếp tục truyền dạy để giữ gìn môn võ này cho các thế hệ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và tại một số địa phương khác. Võ sư Trí chia sẻ: “Thời gian qua, tôi cũng góp phần công sức trong việc duy trì, giữ gìn môn võ này, vì thế khi biết thông tin môn võ này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bản thân tôi rất vui mừng, phấn khởi. Đây không chỉ là sự quan tâm bảo tồn di sản văn hóa, môn võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam mà còn góp phần cổ vũ phong trào luyện tập võ cổ truyền ngày càng phát triển hơn”.
Tiếp tục gìn giữ,phát huy
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết cũng như những dòng võ cổ truyền khác, lịch sử dòng võ lâm TKBT gắn liền lịch sử vùng đất, cộng đồng sản sinh ra nó. Võ lâm TKBT đã cùng với các lớp cư dân Bình Dương chiến đấu với thú dữ, kẻ thù, những thành phần bất hảo, góp phần giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống, bảo đảm sự an toàn cho người dân. Võ lâm TKBT là nét văn hóa độc đáo, thuần khiết của người dân vùng đất Bình Dương, nó được hun đúc và trưởng thành trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Qua những khó khăn, thử thách đó, võ lâm TKBT luôn được vinh danh bằng những chiến thắng trước kẻ thù.
Võ lâm TKBT còn là một minh chứng sinh động thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam nói chung, tinh thần khẳng khái, hào sảng của người dân miền Đông Nam bộ nói riêng. Tinh thần đó luôn được cha ông ta gìn giữ và phát huy. Khi đất nước lâm nguy, tinh thần thượng võ lại bùng cháy hòa quyện cùng lòng yêu nước, họ sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Trong thời bình, võ thuật cổ truyền lại trở thành một phương thức rèn luyện cơ thể, rèn luyện trí tuệ rất hữu hiệu. “Giữ gìn và phát huy võ lâm TKBT thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống biết ơn những người đi trước. Thông qua việc học võ, qua những bài giáo huấn của các võ sư, huấn luyện viên, các môn sinh sẽ biết thêm về những công sức của cha ông trong quá trình mở mang bờ cõi; biết đến những hiểm nguy, trắc trở mà lớp người đi trước đã dũng cảm vượt qua. Qua những đòn thế võ thuật, lớp hậu sinh cũng thấy được tài năng, sự sáng tạo của cha ông được đúc rút, tinh lọc thông qua hệ thống bài bản, đòn thế mà môn phái võ lâm TKBT có được”, ông Phước nói.
Những năm gần đây, võ lâm TKBT đã có sự phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là các lớp võ ở TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một và TX.Tân Uyên. Năm 2000, với sự hỗ trợ của võ sư Hồ Tường, một lớp dạy võ TKBT đã được mở ra tại phường Bình Nhâm, TP.Thuận An. Những học viên theo học đợt đầu tại Bình Nhâm sau này đã trở thành những huấn luyện viên, hướng dẫn viên đứng lớp cho nhiều lớp dạy võ TKBT trên đất Bình Dương. Ông Phước cho biết thêm: “Việc võ lâm TKBT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa rất đặc biệt, to lớn đối với tỉnh Bình Dương. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi mặt và dự kiến trong tháng 3 này sẽ tổ chức lễ công bố quyết định công nhận của Bộ VHTT&DL về di sản này”.
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa này, trong thời gian qua, Sở VHTT&DL đã triển khai thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát huy võ lâm TKBT” với các mô hình, giải pháp. Sắp tới ngành VHTT&DL tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện thêm nhiều hoạt động bảo vệ, phát huy, nâng cấp di sản văn hóa để võ lâm TKBT có nguồn gốc xuất phát từ tỉnh Bình Dương phát triển xứng tầm với một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
HỒNG THUẬN