Từ tàu “không số” đến tàu ngầm Kilô - Bài cuối

Cập nhật: 07-05-2015 | 10:05:09

Bài cuối: Bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới. Nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân lúc này là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thống nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ, Quân chủng Hải quân đã được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hai tàu ngầm Kilô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong đội hình duyệt binh kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam. 
Ảnh: TƯ LIỆU

Với ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường, mưu trí, sáng tạo tích cực khắc phục khó khăn, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã từng bước được xây dựng phát triển với nhiều thành phần lực lượng, trình độ tham mưu, tác chiến, làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự hải quân dần được nâng cao. Bản lĩnh chính trị của bộ đội không ngừng được rèn luyện vững vàng, ý chí quyết tâm, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống ngày càng được củng cố; bảo đảm cho quân chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Nổi bật là Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo phía tây nam những năm 1975- 1979; kiên cường đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa, nhất là trong những năm 1978-1990, đặc biệt là năm 1987-1990, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên trì đấu tranh, tổ chức đóng giữ, bảo vệ thêm 17 đảo, bãi cạn, trong đó năm 1987-1988 đóng giữ thêm 12 bãi cạn, đưa tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân ở Trường Sa, không cho Trung Quốc mở rộng xâm chiếm trái phép trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quân chủng đã tổ chức xây dựng các nhà giàn, đóng giữ bảo vệ thềm lục địa phía nam; thường xuyên tổ chức tuần tiễu quản lý bảo vệ các vùng biển, nhất là vùng biển trọng điểm, đồng thời tích cực góp phần xây dựng phát triển kinh tế đất nước, nhất là hoạt động đánh bắt hải sản, vận tải hàng hóa, xây dựng nâng cao khả năng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và làm kinh tế.

Trước những diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, quân chủng một mặt tăng cường hoạt động theo dõi, tuần tiễu quản lý vùng biển, nắm, phát hiện kịp thời mọi động thái của lực lượng nước ngoài, mặt khác, nhanh chóng triển khai xử trí linh hoạt, hiệu quả các tình huống; nhanh chóng, nhạy bén, tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp trên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Quán triệt thực hiện đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, đối sách của Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ hải quân đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, kiên quyết không khoan nhượng trước những hành động xâm phạm của nước ngoài, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh để bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Quân chủng cũng đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động xây dựng, phát triển kinh tế biển nhất là bảo vệ cho tiến hành các dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đã kiên cường đấu tranh, ngăn chặn những hành động cố tình cản phá hết sức phi lý của lực lượng tàu nước ngoài trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ an toàn cho các tàu của ta thăm dò, khảo sát ở các lô trên vùng biển chủ quyền của nước ta. Đồng thời, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kịp thời theo dõi, nắm chắc hoạt động vi phạm của giàn khoan nước sâu HD981 của Trung Quốc, tích cực, chủ động phối hợp, sẵn sàng giúp đỡ các lực lượng kiên quyết đấu tranh, buộc giàn khoan và lực lượng bảo vệ của họ ra khỏi vùng biển chủ quyền của ta…

Truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành, Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều thành tích, chiến công oanh liệt. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình nối tiếp nhau xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”. Truyền thống đó là tài sản tinh thần vô giá, là động lực, niềm vinh dự, tự hào to lớn để động viên, cổ vũ thế hệ hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy lên tầm cao mới.

P.V

(Nguồn: Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Hải quân)

Những nhiệm vụ cơ bản của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tích cực, chủ động làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược biển, đặc biệt trong xử lý các vấn đề về biên giới lãnh thổ trên biển; đẩy mạnh xây dựng quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

2. Tập trung xây dựng quân chủng vững mạnh về mọi mặt, trước hết vững mạnh về chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xử lý tốt các tình huống; giữ vững chủ quyền, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

3. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, bảo đảm an toàn mọi mặt.

4. Làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội; thực hiện có hiệu quả lao động sản xuất kết hợp kinh tế với quốc phòng.

5. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quân sự, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển hải quân và giữ vững chủ quyền biển đảo.

6. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh; nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, đẩy mạnh phong trào hành động cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 

Những mốc son lịch sử của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Ngày 7-5-1955: Bộ Quốc phòng ra nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ngày 24-8-1955: Cục Phòng thủ bờ bể thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng.

Ngày 24-1-1959: Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 322/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể.

Ngày 23-10-1961: Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - vận tải đường biển. Ngày 19-10-1962, con tàu Phương Đông 1 thực hiện thắng lợi chuyến chở vũ khí đầu tiên cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), mở thông con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngày 3-1-1964: Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP-QĐ nâng cấp Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân

Ngày 2-8-1964: Phân đội 3 Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm ba tàu 333, 336, 339 xuất kích đánh tàu khu trục Ma Đốc (Mỹ) xâm phạm vùng biển nước ta, buộc tàu Ma Đốc phải tháo chạy, làm nên truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1965-1968: Lực lượng hải quân tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngày 27-3- 1967, Bộ Quốc phòng ra quyết định hợp nhất Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu Đông Bắc thành Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc.

Tháng 4-1975: Lực lượng hải quân phối hợp với các đơn vị bạn tiến công giải phóng các tuyến đảo, hải cảng, đồng thời phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 thần tốc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

Từ năm 2010 đến nay: Hải quân Nhân dân Việt Nam được đầu tư hiện đại, đến nay đã có đủ 5 thành phần: Tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh - tên lửa bờ; không quân hải quân; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1742
Quay lên trên