Từ tiết kiệm điện đến lối sống tiết kiệm

Cập nhật: 10-03-2011 | 00:00:00

Việc thiếu điện dẫn tới cắt điện trong thời gian tới khả năng sẽ còn tiếp diễn - đó là nhận định mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Diễn biến này được dư luận quan tâm đặc biệt, bởi qua lần cắt điện diện rộng vào năm ngoái, người dân đã quá “ê ẩm”, mặt khác, giá điện vừa mới tăng từ đầu tháng 3, trong khi thực tế điện vẫn thiếu hụt và viễn cảnh cắt điện luân phiên vẫn còn lơ lửng.

Theo diễn giải của Bộ Công Thương, hiện nay thời tiết ở miền Bắc đang lạnh, do vậy ngành điện gặp thuận lợi; chỉ cần miền Bắc nóng lên, nhu cầu sử dụng điện gia tăng cùng với miền Nam (đang nắng nóng) thì lượng điện chắc chắn thiếu hụt. Ngoài thủy điện phụ thuộc nhiều vào lũ thì các nguồn điện huy động khác cũng chỉ đáp ứng nhu cầu tăng dưới 15%, trong khi dự báo mùa khô năm nay nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng hơn 18% so với năm ngoái. Đó là chưa kể, một số nhà máy nhiệt điện phải bảo dưỡng ngay trong mùa khô nên lượng điện thiếu hụt sẽ còn cao hơn.

 Những thông tin trên cho thấy, tình hình cung ứng điện trong thời gian tới vẫn còn khó khăn chứ chưa thể “lạc quan” như một số dự báo ban đầu. Mặc dù nhiều địa phương đã linh hoạt áp dụng chính sách cắt điện để giảm tải khoa học hơn (xếp lịch cụ thể cho khối sản xuất, không quá tập trung vào hộ gia đình như năm ngoái...), tuy nhiên những việc ấy cũng chỉ giúp giảm bớt phần nào khó khăn chứ chưa triệt để. Điều đó có nghĩa, khó khăn về nguồn điện là điều rất thực tế, trước mắt cần có những “lối thoát” phù hợp với hoàn cảnh. Trước hết, ngay chính các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh, gia đình... nên chủ động, linh hoạt có giải pháp thích ứng với tình hình thiếu hụt điện. Cần phải tiết kiệm điện, bởi nó cũng đồng nghĩa với tiết kiệm tiền và làm tăng giá trị sử dụng, chống thất thoát, lãng phí điện năng. Giá điện gia tăng đương nhiên sẽ gây khó khăn cho việc chi tiêu, nhưng nó cũng có ý nghĩa tích cực - mặt vĩ mô là giúp thu hẹp chênh lệch về mặt bằng giá trong nước và quốc tế, góp phần bảo đảm kinh tế thị trường vận hành tốt, còn mặt vi mô là giúp người sử dụng điện phải nâng cao ý thức sống tiết kiệm, chống lãng phí.

 Điều đáng ghi nhận trong những ngày qua là đã có nhiều cách làm hay trong khối doanh nghiệp nhằm thích ứng với tình hình thiếu điện (điều chỉnh dây chuyền, công nghệ, nhân công lao động, tăng hiệu quả quản lý, giảm các chi phí không cần thiết...). Trong các hộ gia đình cũng có nhiều phương án cải tiến, sắp xếp sinh hoạt sử dụng điện phù hợp, khoa học hơn. Đó là những động thái tích cực, lý ra phải được thực hiện thường xuyên nhằm duy trì thành nề nếp chứ không phải chờ “nước đến chân mới nhảy”. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cho thấy, một trong những kinh nghiệm thành công của họ chính là nhờ người dân có đức tính tiết kiệm. Tiết kiệm xưa nay không bao giờ thừa, lúc sinh thời Bác Hồ cũng từng nhắc đến vấn đề này rất nhiều lần và coi đó như một đức tính chuẩn mực. Trong thời buổi hiện nay, tiết kiệm cần được thực hiện thường xuyên, rộng rãi trên nhiều lĩnh vực đời sống chứ không chỉ trong sử dụng điện, nhằm góp phần bồi đắp một đức tính quý của người Việt Nam.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên