Tuyên chiến với đinh tặc
Nạn đinh tặc đang là nỗi nhức nhối của nhiều người tham gia giao thông. Vì thế, đọc bài viết trên báo Bình Dương số ra ngày hôm qua, 1-2-2010, cái tựa gây chú ý với tôi và có lẽ với nhiều bạn đọc khác là “Treo thưởng 2 triệu đồng cho ai tố giác kẻ rải đinh trên quốc lộ 13”. Điểm chú ý ở đây là lần đầu tiên có một lời tuyên bố thẳng thừng “tuyên chiến” với bọn đinh tặc của một cán bộ cơ sở. Cho dù lời “tuyên chiến” trên mang lại hiệu quả ra sao nhưng qua đó cho thấy sự quyết tâm của chính quyền trước một thực trạng đang gây nhức nhối trong dư luận xã hội thời gian qua.
Trong khi nhiều người biết sống vì cộng đồng, thường hay giúp đỡ người khác thì lại có một số kẻ chuyên đi phá hoại, “làm khổ” cho xã hội bằng việc rải đinh. Bản thân hành vi rải đinh đã là một việc làm vô đạo đức. Bởi nó không chỉ có thể gây tai nạn cho người tham gia giao thông mà còn phá hoại tài sản công dân. Không ít người do cán phải đinh đã bị tai nạn giao thông, nhiều vỏ ruột xe bị những mảnh đinh thép phá nát. Tất cả những hành vi trên đều vi phạm pháp luật, thế nhưng thời gian qua, việc vận dụng pháp luật để xử lý những tên đinh tặc bị bắt quả tang tại một số địa phương còn rất nhẹ tay, nếu không muốn nói là còn rất lúng túng. Việc phát hiện và bắt quả tang kẻ rải đinh hoàn toàn không dễ dàng, rất cần có cả một quá trình theo dõi, mai phục. Thiết nghĩ, muốn hạn chế nạn rải đinh chính quyền cần có những biện pháp thật kiên quyết, kể cả vận dụng luật pháp với khung hình phạt thật nghiêm khắc. Bình thường một kẻ phá hoại tài sản công dân, cố ý gây thương tích, vô ý gây chết người... đã bị phạt tù. Hành vi rải đinh có thể gây chết người, nhất là giới nữ, khó xử lý kịp nên dễ bị tai nạn giao thông nếu cán phải đinh của chúng. Vì thế, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tên mất đạo đức này.
Bọn đinh tặc thực hiện hành vi rải đinh cũng nhằm phục vụ một quyền lợi, một mục đích nhất định. Đó là bọn chúng kiếm tiền từ việc vá, thay vỏ, ruột xe với một cái giá “trời ơi”. Vì thế, để bài trừ nạn rải đinh tận gốc không thể không có những biện pháp để quản lý những điểm sửa vá xe lưu động này. Để bảo vệ những người sửa, vá xe chân chính và để ngăn chặn hành vi làm ăn phi pháp của bọn đinh tặc, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần có kế hoạch kiểm tra, theo dõi và phát hiện kịp thời những điểm hành nghề không phép (thường là những điểm vá xe lưu động có “bà con” với bọn đinh tặc). Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần cho các điểm hành nghề sửa vá xe ven các trục lộ chính, nhất là đoạn trên đại lộ Bình Dương đi ngang qua TX.TDM, làm cam kết không tham gia rải đinh và sẵn sàng tố giác những hành vi bất nhân này. Đồng thời vận động họ hưởng ứng tham gia quản lý với hình thức “Đoạn đường không có đinh tặc”; tổ chức Đoàn, Hội thanh niên nên có những hoạt động như ra quân lượm đinh, đoạn đường thanh niên không có đinh...
Tết đến, dịp rằm tháng Giêng âm lịch sẽ là đợt cao điểm của bọn đinh tặc hoạt động. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường theo dõi, đeo bám mục tiêu, phát hiện kẻ rải đinh, rất cần những biện pháp kiên quyết, mạnh tay của chính quyền các cấp và ngành chức năng, sự tham gia tố giác của quần chúng và cả những người vá xe chân chính. Có như thế, nạn đinh tặc mới có thể bài trừ tận gốc.
THƯỜNG DÂN