Tuyển viên chức hay người mẫu?

Cập nhật: 15-06-2014 | 12:04:02

Đọc bản tin “Cô giáo rớt viên chức do thiếu số đo vòng ngực”, tôi bỗng nực cười nhưng lại đắng ngắt lòng, cứ ngỡ chuyện đùa. Không chỉ riêng tôi mà đã có rất nhiều độc giả lên tiếng phê phán sự việc này.

Chuyện xảy ra ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trong số 215 hồ sơ đăng ký dự xét tuyển viên chức sự nghiệp giáo dục mầm non của huyện năm học 2011-2012, có 12 hồ sơ đã bị hội đồng xét tuyển loại thẳng thừng dù có số điểm rất cao. Khi được hỏi về việc 12 cô giáo bị rớt với lý do “thiếu số đo vòng ngực”, ông Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện cho biết: “Giấy khám sức khỏe (KSK) do bệnh viện cấp hoàn toàn hợp pháp. Còn nhà tuyển dụng căn cứ vào tiêu chí nào, lấy chỉ số đo vòng 1 ra làm sao, thật sự bệnh viện chưa được biết”. Trong khi đó, vị chủ tịch hội đồng xét tuyển viên chức khẳng định: “Dù 12 thí sinh có điểm xét tuyển cao vượt trội so với các thí sinh còn lại nhưng vẫn bị loại vì giấy KSK không hợp lệ. Cụ thể giấy KSK thiếu chỉ số về thể lực và lỗi này do bên ngành y tế”. Chỉ có thế nhưng hai bên đổ qua đổ lại. Tuy nhiên, trên giấy KSK của các giáo viên, phần “chỉ số vòng ngực” được để trống nhưng ở phần kết luận giấy KSK bác sĩ của bệnh viện xác nhận: “Đủ điều kiện sức khỏe để tham gia học tập công tác”!

Thông tin mới nhất cho biết, vị Trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Sơn đã khẳng định vẫn giữ nguyên kết quả xét tuyển. Như vậy, 12 giáo viên bị rớt trong đợt xét tuyển viên chức vẫn giữ nguyên kết quả mà không được xem xét lại mặc dù họ đã có khiếu nại, kiến nghị. Tuy nhiên, điều đáng nói là lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết giấy KSK của Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Sơn đủ căn cứ pháp lý về yêu cầu sức khỏe khi tuyển dụng cán bộ. Rõ ràng, mặc dù có những quy định cụ thể chung như vậy nhưng hội đồng xét tuyển viên chức của địa phương này có cách làm riêng. Thật khó hiểu.

 Những người có trách nhiệm trong vụ này không những lôi thôi, bậy bạ mà còn xúc phạm nhân cách người khác, nhất là giáo viên, một nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Không hiểu số đo vòng ngực với năng lực giảng dạy có liên quan gì với nhau không? Môi trường giáo dục là nơi truyền đạt kiến thức, nhân cách, kỹ năng sống cho con người, tiêu chí cần quan tâm để xét chọn phải là học lực, hạnh kiểm chứ sao lại xét nét “chỉ số vòng 1”? Ở đây, hội đồng xét tuyển dựa vào quy định nào của ngành mà có thái độ, hành vi thiếu tính nhân văn như thế. Các cô giáo, những viên chức tương lai của ngành giáo dục này sẽ mặc cảm như thế nào với thái độ và cách hành xử như vậy. Vụ việc này làm cho người ta nhớ lại vụ ngực lép không đủ tiêu chuẩn lái xe an toàn của phụ nữ do Bộ Y tế quy định đã từng bị công luận phản ứng gay gắt.

Tuyển viên chức, đặc biệt là viên chức ngành giáo dục mầm non, đáng lẽ cần phải đề cao các tiêu chí năng lực, đạo đức, nhân cách... bởi họ là những người dạy dỗ, truyền đạt cho trẻ nhỏ bắt đầu chập chững trên con đường tiếp thụ học vấn và kỹ năng sống. Nền móng và những viên gạch đầu tiên để xây một ngôi nhà bao giờ cũng quan trọng. Nhìn lại vụ việc nêu trên, nhiều người tự hỏi không biết cái hội đồng xét tuyển viên chức địa phương nọ họ tuyển viên chức hay tuyển người mẫu?

Thái phong

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=432
Quay lên trên