Thời gian qua, TX.Tân Uyên đã có sự quan tâm đến công tác phát huy giá trị di tích, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH), đặc biệt là gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Điều này không chỉ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Di tích Chiến khu Vĩnh Lợi là một trong những điểm đến tham quan ý nghĩa của các thế hệ
Quan tâm bảo tồn di tích
Tính đến nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên đã có 12 di tích LS-VH được xếp hạng công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TX.Tân Uyên cho biết, các di tích LS-VH có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc khai thác các giá trị di tích LS-VH gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị các di tích, tiềm năng du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập trải nghiệm, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân địa phương cũng như du khách tham quan.
Để bảo vệ các di tích, Phòng VH-TT thị xã thực hiện chống mối mọt theo định kỳ; tiến hành khảo sát hiện trạng để tu bổ, sửa chữa kịp thời đối với các di tích bị xuống cấp, hư hỏng. Đến nay, phòng đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 7 di tích với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn ngân sách, địa phương còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài thị xã tham gia vào việc bảo tồn di tích. Bộ máy quản lý các di tích cũng được củng cố, kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự.
Đến nay, các xã, phường nơi có di tích đều đã thành lập tổ quản lý di tích, ban hành quy chế hoạt động theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Riêng di tích Chiến khu Vĩnh Lợi do Phòng VH-TT trực tiếp quản lý. Hàng năm, TX.Tân Uyên còn thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng những công trình LS-VH đủ điều kiện để đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Trên cơ sở các di tích đã được xếp hạng, UBND thị xã đã chỉ đạo cho các cơ quan có liên quan chủ trì, phối hợp với UBND các xã, phường có di tích tiến hành thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích theo đúng quy định, nhằm phát huy hiệu quả trong công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Đến nay, có 8/12 di tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phát huy giá trị di tích gắn với du lịch
Để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, thời gian qua Phòng VH-TT TX.Tân Uyên đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên quan, như tổ chức các hội thi: Em yêu di tích quê hương, ảnh đẹp di tích, tìm hiểu về các di tích LS-VH trên địa bàn TX.Tân Uyên; thực hiện chương trình về nguồn tìm hiểu về địa chỉ đỏ, các đợt triển lãm hình ảnh, chiếu phim tư liệu về các di tích...
Ông Nguyễn Tấn Phát cho hay, thông qua các hội thi, hình ảnh triển lãm, các video clip giới thiệu về các di tích LS-VH đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các di tích; từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di tích LS-VH của địa phương. Đặc biệt, thời gian qua TX.Tân Uyên đã tổ chức thành công lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lồng ghép với việc tổ chức các chương trình kết nối với các điểm tham quan tại các di tích trên địa bàn thị xã; tổ chức kết nối các tuyến du lịch, đưa các di tích LS-VH trên địa bàn thị xã vào chương trình tham quan và học tập.
Tính đến nay, trên địa bàn TX.Tân Uyên đã có 12 di tích LS-VH được xếp hạng công nhận, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Đã có 7 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. |
Được quan tâm đầu tư xây dựng khá đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khách tham quan du lịch, sau khi đưa vào sử dụng, di tích Chiến khu Vĩnh Lợi đã phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến tiêu biểu, thu hút rất nhiều lượt khách trong và ngoài thị xã đến tham quan, về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ. Tại các di tích khác, như: Di tích miếu Ông (nơi hoạt động trinh sát, quân báo biệt động tỉnh Bình Dương); di tích đình Bưng Cù (gắn liền với võ thuật Tân Khánh Bà Trà)… trên địa bàn thị xã cũng diễn ra các hoạt động họp mặt, về nguồn, sinh hoạt văn hóa ý nghĩa, thu hút người dân và nhiều khách đến tham quan, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, để tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị xã thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của di tích; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng, nhân dân.
Công tác trùng tu, tôn tạo di tích phải được thực hiện thường xuyên hơn, đầu tư về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan và tổ chức các hoạt động thường niên tại các di tích. Bên cạnh đó, Phòng VH-TT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể để tổ chức các chương trình về nguồn và thực hiện lồng ghép, kết nối các di tích, điểm tham quan, các hoạt động trong lễ hội của địa phương; xây dựng chương trình phối hợp với các đơn vị lữ hành trong và ngoài thị xã, tập trung kết nối tuyến du lịch ven sông Đồng Nai; xây dựng các tour du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và tham quan các di tích trên địa bàn thị xã.
HỒNG THUẬN