Ưu tiên cho sản xuất sạch hơn

Cập nhật: 22-07-2014 | 00:00:00
Sản xuất sạch hơn là cụm từ xuất hiện gần đây và được nhiều ngành, nhiều giới quan tâm. Sản xuất sạch hơn mặc dù đã được triển khai áp dụng thành công tại Việt Nam hơn 10 năm qua, nhưng phải đến năm 2010 phương pháp luận này mới được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển dụng tại các tỉnh, thành trên cả nước. Mục tiêu lớn nhất của sản xuất sạch hơn là ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống. Việc chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh không nằm ngoài vấn đề thực hiện lộ trình sản xuất sạch hơn.

 Những năm mới chuyển sang phát triển công nghiệp, do chưa chú trọng vấn đề sản xuất sạch hơn, nên thu hút đầu tư chủ yếu thực hiện theo kiểu cạnh tranh số lượng dự án. Chính cách làm này mà Bình Dương từng gánh chịu hậu quả nặng nề về môi trường do một số doanh nghiệp gây ra. Môi trường bị tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm, người dân kêu ca vì khói bụi, tiếng ồn… Các vườn cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của Bình Dương từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ chỉ vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Số lượng dự án lớn nhưng hàng hóa làm ra thiếu sức cạnh tranh, nhập siêu vẫn còn lớn trong cán cân thương mại. Tất cả những hệ quả nói trên có cùng nguyên nhân là do doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, chưa chú trọng vấn đề sản xuất sạch hơn!

Nhận thấy tác động của sản xuất đến môi trường là quá sức tưởng tượng, bên cạnh đẩy mạnh các công trình nhằm cải thiện môi trường, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng lộ trình để loại dần các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. Trong đó, chú trọng đưa dần những doanh nghiệp sản xuất bẩn ra khỏi khu dân cư, nhằm bảo đảm sức khỏe người dân. Một trong những bước đi đầu tiên trong lộ trình này là Bình Dương đã xây dựng đề án đưa các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ra khỏi khu dân cư. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ nằm xen lẫn trong khu dân cư đều được khuyến khích chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời vào khu công nghiệp tập trung có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ đều đã thực hiện di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Bước tiếp theo trong lộ trình sản xuất sạch hơn của Bình Dương là chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công và các lò gạch Hoffman trên địa bàn. Thời hạn chính thức chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman sau nhiều lần thay đổi cuối cùng cũng được ấn định là vào ngày 30-6-2014. Để thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản, dựa trên các cơ sở pháp lý và có tạo điều kiện để các chủ cơ sở sử dụng hết nguyên liệu, có thời gian thu hồi vốn. Điều đáng nói là trong khi có rất nhiều chủ cơ sở nghiêm túc thực hiện chủ trương thì vẫn còn đó một số cơ sở cố tình chây ì, chống đối cho dù họ biết rõ sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe cộng đồng và chắc chắn sẽ bị loại trừ!

Thay đổi công nghệ hiện đại ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng là mục tiêu lớn trong lộ trình tiến tới sản xuất sạch hơn. Chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman trên địa bàn là bước đi đúng trong lộ trình này, không thể bàn cãi.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên