“Văn hóa phải soi đường quốc dân đi”

Cập nhật: 25-11-2021 | 08:17:47

Đó là lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh 75 năm trước, tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập, ngày 24-11-1946. Người chỉ rõ, văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Lời huấn thị của Người đồng thời cũng là kim chỉ nam hành động của ngành văn hóa - thông tin nước nhà trong suốt hành trình dài đã qua cũng như chặng đường sắp tới và mãi mãi sau này. Tùy vào từng giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành văn hóa - thông tin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, xây dựng một Việt Nam tự chủ, tự cường, độc lập. Nhân dân Việt Nam trong nhiều thế hệ đã qua, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa của cha ông, sáng tạo nên giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vững vàng đưa đất nước tiến tới hùng cường, giàu bản sắc dân tộc.

Trong xu thế hội nhập và phát triển hôm nay, văn hóa với kim chỉ nam hành động mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, tiếp tục sứ mệnh soi rọi, dẫn dắt người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại, hình thành nên giá trị văn hóa mới, phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Phạm trù văn hóa là vô cùng rộng, văn hóa Việt Nam sâu sắc, nhân văn, giàu tính dân tộc, luận bàn về văn hóa thời hiện tại với nhiều góc độ nhìn nhận đã được các chuyên gia phân tích, diễn giải. Dù dưới góc độ nào, giai đoạn nào, bản sắc riêng có của văn hóa Việt Nam được xây nên bởi ngàn đời con dân đất Việt cũng không thể nhạt phai.

Trách nhiệm giữ gìn, phát huy, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc trong thời hiện tại đặt lên vai thế hệ trẻ. Đã có không ít những lo lắng về giá trị, thước đo, sự lệch lạc về lối sống, tư duy văn hóa của thế hệ trẻ hôm nay. Nhưng người viết tin rằng, sự lệch lạc, không biết kế thừa, nâng tầm văn hóa Việt, nếu có trong con người thời hiện tại cũng chỉ là số ít, rất thiểu số nếu so sánh trên quy mô dân số của cả cộng đồng các dân tộc trên dải đất hình chữ S này. Tin rằng người trẻ hôm nay, mai sau, những thế hệ giàu học thức, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, sẽ biết quý trọng di sản văn hóa cha ông ngàn đời để lại để giữ gìn, phát huy giá trị.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên