Mới đây, ngày 4-10, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chỉ thị thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thủ đô. Theo đó, số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người, nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người. Có thể nói quy định về tổ chức đám cưới của Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trước nay, nhiều nơi quy định việc tổ chức đám cưới phải gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng việc quy định đến số lượng người dự tiệc có lẽ lần đầu tiên Hà Nội quy định cụ thể. Ngày 17-9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày 27-9 vừa qua) quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi tổ chức việc cưới, việc tang phải tuân thủ nguyên tắc không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không sử dụng công quỹ cơ quan làm quà mừng, quà tặng đám cưới và phúng viếng đám tang trái quy định. Tổ chức tiệc cưới gọn nhẹ, tiết kiệm, hạn chế dùng rượu bia và không dùng thuốc lá trong đám cưới. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức khi từ trần, các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, công chức không mang vòng hoa khi đến viếng đám tang. Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được coi là nội dung tiêu chuẩn thi đua đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, tiêu chí xét công nhận danh hiệu gia đình, khu phố - ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa…
Quy định là thế, nhưng nhiều người vẫn phân vân việc thực hiện có nghiêm hay không? Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phớt lờ quy định, chẳng hạn như làm trái quy định nhưng không có ai kiểm tra, xử phạt. Anh làm được, tôi làm được, nhà họ làm lớn được, nhà mình cũng làm lớn được! Suy nghĩ đó sẽ dẫn đến tiền lệ không tốt cho việc thực hiện không nghiêm những quy định đã được yêu cầu phải thực hiện nghiêm…
NHẬT HUY