Vang mãi âm hưởng “Thành đồng Tổ quốc”- Bài cuối

Cập nhật: 23-09-2015 | 08:23:13

Bài cuối: Còn mãi tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

 70 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng mãi theo thời gian và năm tháng. Ngày 23-9-1945, ngày Nam bộ kháng chiến đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Hòa chung trong khí thếấy, quân dân Thủ Dầu Một đã sát cánh cùng quân dân các tỉnh Nam bộ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần cách mạng quật khởi.

 Quân và dân Nam bộ với gậy tầm vông vùng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, tháng 9-1945. Ảnh: TƯ LIỆU

 Nói về ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho biết: “Đây là cuộc đọ sức không cân bằng, giữa một bên là thực dân Pháp được trang bị các vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại có binh hùng tướng mạnh; một bên là nhân dân miền Nam với các vũ khí tự tạo thô sơ, lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược để bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Trong điều kiện ngặt nghèo của chiến tranh, bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân Nam bộ càng tỏa sáng. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, cảnh sát chiến đấu, công an xung phong… cùng với toàn thểnhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên. Chúng ta đánh Pháp bằng tất cả những thứ vũ khí có trong tay, từ gậy tầm vông vót nhọn đến giáo mác với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo khiến địch phải hoang mang, dao động. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Một đạo quân dù tối tân đến đâu cũng chẳng đánh bại được thái độ cương quyết của cả một dân tộc”.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh:

“Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược của quân và dân ta trong những ngày đầu ở Nam bộ có ý nghĩa rất to lớn, đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ quân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Đồng thời tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và tinh thần chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang Thành đồng Tổ quốc…”.

Vâng! Từ gậy tầm vông, mã tấu cùng các loại vũ khí thô sơ, nhân dân miền Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”. Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân miền Nam giữ vững lời thề son sắt, hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

Hòa trong khí thế quật khởi của Nam bộ kháng chiến, quân dân Thủ Dầu Một cũng nhất tề đứng dậy chống lại thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Tỉnh ủy khi đó đã chỉ thị cho các địa phương nghiêm túc chấp hành lệnh kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam bộ. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh cùng lực lượng tự vệ phá hủy công sở, ph áhủy đường giao thông tiếp tế, xây dựng các phòng tuyến chiến đấu, bố trí lực lượng bảo vệ địa bàn. Trong các thôn xóm, chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, thực hiện vườn không nhà trống được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Ngày 23-10-1945, quân Pháp đánh chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa. Phán đoán ý đồ của địch, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một đã cho nhân dân trong tỉnh triệt để tản cư. Các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh di chuyển về vùng nông thôn. Xung quanh thị xã hình thành các mặt trận để chặn đánh địch. Trong khi đó, Tỉnh ủy, Ủy ban và một số cơ quan hành chính của tỉnh rút lên xóm Lò Đường (gần cầu Ông Cộ), xưa thuộc xã Tân An, huyện Châu Thành. Đồng chí Văn Công Khai tổ chức thêm trạm giao liên và tiếp tế do đồng chí Ngô Văn Hòa (người làng Phú Cường) phụ trách. Từ những ngày đầu kháng chiến, đồng chí đã vận động nhiều gia đình buôn bán kinh doanh ở chợThủ Dầu Một và quần chúng yêu nước tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho lực lượng kháng chiến của tỉnh.

Tại các đường phố trong thị xã, trước khi giặc chiếm đóng, truyền đơn của Ủy ban nhân dân kêu gọi đồng bào kháng chiến chống Pháp được dán, rải khắp nơi. Bàn ghế, tủ giường của đồng bào được vứt ra đường để làm vật chướng ngại cản địch. Chợ Thủ Dầu Một không họp, trường học, phố xá đóng cửa im lìm. Đa số đồng bào, nhất là thanh niên nam nữ rút ra vùng nông thôn ven thị xã hoặc lên những vùng khác. Đêm 23-10, một thiếu niên thường gọi là Ốm đã khôn khéo và dũng cảm leo lên treo một lá quốc kỳ lớn nơi cột thu lôi trên đồng hồ ở nóc chợ Thủ Dầu Một. Tại Tân Uyên, được tin địch chuẩn bị lấn chiếm, Ủy ban nhân dân tỉnh Biên Hòa kêu gọi đồng bào xã Uyên Hưng áp dụng chính sách “tiêu thổ kháng chiến”. Đồng bào đã không ngần ngại châm lửa đốt hết nhà cửa, trường học… rồi rút đi nơi khác. Lần đầu tiên, một huyện lỵ trong tỉnh Biên Hòa (cũng như của cả miền Đông) đã biến thành gạch vụn!

Sáng ngày 25-10-1945, núp dưới cờ quân Anh, Pháp tiến đánh TX.Thủ Dầu Một bằng 3 cánh. Sau khi chiếm được tỉnh lỵ, quân Pháp được quân đội Nhật giao lại cho chúng những cứ điểm quân sự như  thành Săn Đá (nay là trường Sĩ quan Công binh), Thành Quan và một số vị trí quan trọng. Địch chiếm cả khu vực tòa hành chánh tỉnh. Sau khi chiếm đóng xong TX.Thủ Dầu Một, ban ngày địch mở những cuộc lùng sục nhỏ trong và ngoài nội ô, đêm về ở trong đồn. Tháng 1-1946, sau nhiều lần tung quân tấn công, giặc Pháp lần lượt đánh chiếm được hầu hết các địa phương và các đồn điền cao su Thủ Dầu Một.

Nhận định về quá trình tái chiếm tỉnh Thủ Dầu Một của thực dân Pháp, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phân tích: Quá trình tái chiếm lại tỉnh Thủ Dầu Một là quá trình giao tranh đẫm máu giữa một bên là quân đội viễn chinh nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại và một bên là lực lượng vũ trang và du kích địa phương chỉ có lòng yêu nước và gậy gộc, giáo mác, tầm vông vạt nhọn. Đi đến đâu quân Pháp cũng đều bị bộ đội, du kích và tự vệ công nhân đánh trả quyết liệt đến đó. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Do tương quan lực lượng không ngang sức, quân đội viễn chinh Pháp đã đánh chiếm được toàn bộ tỉnh lỵ và thiết lập một nền cai trịnhư trước. Song, lực lượng kháng chiến địa phương vẫn cơ bản bảo tồn. Nhiều hoạt động đánh địch vẫn diễn ra liên tục trên khắp địa bàn tỉnh, gây cho địch rất nhiều lúng túng.

Từ tháng 10-1945 trải qua hơn 14 tháng chiến đấu trong hoàn cảnh gay go, gian khổ, thiếu thốn đủ mọi bề, lực lượng kháng chiến của tỉnh từ non yếu, từ những bước chập chững ban đầu đã phấn đấu không ngừng, từng bước vươn lên, cókinh nghiệm về mọi mặt. Cơ sở chính trị được phục hồi trên diện rộng, tổ chức Đảng có bước phát triển. Một số chi bộ xã được thành lập, chất lượng của từng cán bộ, đảng viên được nâng lên. Lực lượng quân sự cũng phát triển mạnh, đến ngày 19-12-1946 quân số toàn tỉnh có1.200 cán bộ, chiến sĩ (tháng 11-1945 là 800 người) được trang bị 420 súng các loại. Cuối năm 1946, binh công xưởng trong tỉnh được trang bị thêm máy móc vừa sửa chữa, vừa sản xuất được vũ khí (như đạn dược, thủ pháo) đã đáp ứng được một phần yêu cầu chiến đấu của bộ đội…

Những thắng lợi bước đầu giành được trong hơn một năm kháng chiến chống quân Pháp tái chiếm là kết quả của những nỗ lực vô cùng to lớn của đồng bào, các lực lượng vũ trang trong tỉnh dưới sự lãnh đạo kiên quyết của Đảng bộ địa phương. Với sức mạnh đã tích lũy được, quân dân Thủ Dầu Một, Tân Uyên cùng Thủ Đức quyết tâm tiếp tục chiến đấu theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12- 1946 của Bác Hồ, hòa mình vào dòng thác kháng chiến trong cả nước, tiến đến lập nên chiến công chói lọi, góp phần vào thắng lợi đỉnh cao trong chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và sau đó cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 K.HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1521
Quay lên trên