Về Dầu Tiếng, sau khi trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp tự nhiên của những danh thắng ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng - núi Cậu, thăm lại đồn điền cao su xưa, nhiều người thường đến chùa Hoa Nghiêm để tìm cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư thái. Chùa Hoa Nghiêm là một trong những di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện, tọa lạc trên đỉnh một gò đất cao ở đường Trần Văn Trà, khu phố 4A, thị trấn Dầu Tiếng...
Chùa Hoa Nghiêm là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử
Điểm tựa tinh thần
Chùa Hoa Nghiêm là một trong những ngôi chùa hình thành từ rất sớm trên vùng đất Định Thành, Dầu Tiếng xưa. Có mặt từ những ngày đầu khai phá vùng đất này, chùa là nơi để bà con phật tử và nhân dân quanh vùng nương náu, sinh hoạt tín ngưỡng. Chùa Hoa Nghiêm còn có tên gọi khác là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Bộ kinh điển trọng yếu thể hiện ý nghĩa tuyệt vời về “Nhân”, “Hạnh”, “Quả”, “Đức” của Phật Đà có duy nhất ở Định Thành, Dầu Tiếng lúc bấy giờ).
Theo lời giới thiệu của các cán bộ văn hóa huyện Dầu Tiếng, chùa Hoa Nghiêm được xây dựng thể theo tâm nguyện của thầy Ba Lung (Phạm Kim Dung) để cho những người phu thợ, công nhân cao su nương tựa tinh thần, tu học Phật pháp. Từ những năm 1927, thực dân Pháp đã cho người ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc để mộ phu với chiêu bài “công tra” (hợp đồng lao động), nhưng thực chất là để bóc lột sức lao động của họ để phục vụ cho việc khai thác các đồn điền cao su của chúng lập ra ở miền Nam, trong đó có đồn điền ở huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương. Những người từ miền Trung, miền Bắc vào đây làm phu cao su đa số đều theo đạo Phật. Trong số đó có thầy Ba Lung. Để hoàn thành tâm nguyện của mình, sau thời gian đi làm phu kiếm sống, thầy Ba Lung thường tranh thủ thời gian rảnh, ngày nghỉ để phát rừng khai hoang, lấy đất lập chùa.
Sau nhiều năm khai hoang, đến ngày Rằm tháng giêng năm 1940, chùa Hoa Nghiêm bắt đầu được xây dựng. Việc xây dựng chùa nhận được sự ủng hộ của đông đảo phật tử và người dân nơi đây. Sau khi xây dựng, phật tử và bà con từ các làng cao su Dầu Tiếng và các vùng lân cận đã tìm về chùa lễ Phật và cầu mong cuộc sống bình an. Cuộc sống của những người phu cao su hết sức cùng cực vì bị bóc lột rất dã man, vì thế, phật tử và người dân nơi đây thường tìm về chùa để nương tựa về mặt tinh thần và vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Vào những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch hàng tháng, người đến chùa lễ Phật và ở lại rất đông. Những thập niên 1950-1960, vào dịp Rằm tháng bảy, số phật tử của chùa lên cả hàng ngàn người. Chùa Hoa Nghiêm thực sự là địa chỉ tín ngưỡng, sinh hoạt tinh thần tin cậy của đông đảo người dân trên vùng đất cao su Dầu Tiếng. Vì thế, bọn quan Tây, xu, cai, sếp cũng hết sức kiêng nể, không dám xâm phạm.
Góp sức cho cách mạng
Là nơi thờ Phật tôn nghiêm bất khả xâm phạm, thế nên, chùa Hoa Nghiêm sớm trở thành nơi gặp gỡ của những người công nhân cao su sớm giác ngộ cách mạng. Họ là những người vừa lao động sản xuất vừa tham gia đấu tranh với bọn chủ Tây để đòi quyền dân sinh, dân chủ trong các làng cao su. Họ còn tham gia kháng chiến với tư cách là người hậu phương, đóng góp tiền của, nuôi giấu cán bộ cách mạng...
Cũng từ đó, chùa Hoa Nghiêm trở thành nơi hoạt động liên lạc bí mật của tổ chức cơ sở Đảng huyện Dầu Tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thầy Ba Lung đã che chở cho nhiều gia đình phật tử sinh sống quanh chùa là công nhân cao su trực tiếp tham gia kháng chiến. Chùa Hoa Nghiêm còn là nơi hoạt động của Đội Thanh niên tiền phong chống Pháp mũi ấp 4 và là nơi cất giấu truyền đơn chống Pháp.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều phật tử của chùa cùng thầy Ba Lung tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí Út Oanh (Huỳnh Kim Oanh) được Đảng phân công trực tiếp chỉ đạo quần chúng đấu tranh chống Mỹ tại chùa Hoa Nghiêm. Chùa còn là nơi che chở cho nhiều cán bộ hoạt động cách mạng chủ chốt khác như đồng chí Tám Núi, Hai Lương, Út Lung, Tư Trung, Ba Thượng, Ba Xê, Năm Khoa... Dưới sự chỉ huy của các cán bộ, đảng viên hoạt động bí mật, thầy Ba Lung và các phật tử đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt Phật pháp để che mắt kẻ địch, đào hầm bí mật, làm giao liên, đưa đón cán bộ cách mạng, truyền tin phục vụ cách mạng...
Hòa bình lập lại, chùa Hoa Nghiêm đã được gia đình thầy Ba Lung cùng phật tử từng bước sửa chữa, xây dựng lại đẹp và trang nghiêm hơn. Chùa vẫn là nơi để phật tử và bà con trong vùng đến lễ Phật, sinh hoạt tâm linh. Gia đình thầy Ba Lung được Nhà nước công nhận là gia đình có công với cách mạng. Để bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử gắn liền với ngôi chùa nhỏ này, ngày 25-11-2012, UBND tỉnh xếp hạng chùa Hoa Nghiêm là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
CẨM LÝ - THANH DÂN