Về thăm khu căn cứ cách mạng Bàu Gốc

Cập nhật: 24-04-2021 | 09:08:16

Hòa trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về với vùng đất Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Nơi đây, có một khu căn cứ mang ý nghĩa quan trọng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân ta, đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, đó là khu căn cứ Bàu Gốc (căn cứ C4).


Khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc đã trở thành một “địa chỉ đỏ” gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của lực lượng Công an tỉnh

Địa danh lịch sử

Trong thời kỳ kháng chiến, với đặc điểm có rừng rậm bao phủ, gần mọi nước, lại sát khu vực dân cư nên Bàu Gốc trở thành nơi hoạt động cách mạng, được nhiều đơn vị lực lượng vũ trang, ban ngành từ cấp Trung ương (cấp R) đến tỉnh, huyện chọn làm căn cứ đóng quân, xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động đấu tranh cách mạng chống quân xâm lược.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết Bàu Gốc là một địa danh lịch sử thuộc vùng căn cứ Chiến khu Đ. Đây là nơi gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Đông Nam bộ nói chung, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nói riêng. Đặc biệt, Bàu Gốc được xem là nơi gắn liền với sự hình thành, hoạt động của lực lượng an ninh Bình Dương (Công an tỉnh hiện nay) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo sử liệu ghi lại, ngày 26-8-1945, tổ chức “Quốc gia Tự vệ cuộc” tỉnh Thủ Dầu Một ra đời trên cơ sở quy tụ những đội tự vệ do Đảng lập ra trước đó. Tổ chức này cũng chính là tiền thân của lực lượng Công an Bình Dương (C4). “Quốc gia Tự vệ cuộc” tỉnh Thủ Dầu Một giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp bọn tay sai thực dân, bọn đảng phái phản động chống phá cách mạng. Đến tháng 4-1946, “Quốc gia Tự vệ cuộc” đổi tên thành Ty Công an Thủ Dầu Một và hoạt động xuyên suốt trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, địch phản công quyết liệt, căn cứ Bàu Gốc cũng bị chúng đánh phá liên tục. Đầu năm 1969, trước sự càn quét của Mỹ, Ban An ninh phải di chuyển từ Bàu Gốc đến nơi khác, lên tận vùng rừng Mã Đà, Bàu Cháp của Chiến khu Đ.

Tháng 11-1972, khi có quyết định giải thể phân khu, thành lập lại tỉnh, Ban An ninh Phân khu V trở thành Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12-1974, Ban An ninh của tỉnh chuyển trở về căn cứ Bàu Gốc ở xã Bình Mỹ xây dựng lại căn cứ. Từ đây, Ban An ninh tỉnh tập trung xây dựng, phát triển lực lượng, mở nhiều cuộc họp tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tấn công chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, từ ngày 20-4 đến 26-4-1975, tại căn cứ Bàu Gốc, Ban An ninh tỉnh liên tiếp mở các cuộc họp nhằm xây dựng kế hoạch tiến công chiếm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, thống nhất kế hoạch và lập lại tiểu ban tiếp quản. Rạng sáng 27-4-1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến thẳng vào các mục tiêu đã được Tỉnh ủy phân công. Đúng 10 giờ ngày 30-4- 1975, lực lượng an ninh tỉnh Thủ Dầu Một đã chiếm lĩnh hoàn toàn 3 mục tiêu trọng yếu và thu toàn bộ hồ sơ tài liệu của địch. 11 giờ 30 phút ngày 30-4- 1975, quân và dân Bình Dương đã làm chủ thị xã Thủ Dầu Một, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà.

Chứa đựng nhiều giá trị

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, rừng căn cứ Bàu Gốc đã bị triệt hạ, khai phá để trồng cây cao su, hoa màu… Để hình thành một địa điểm họp mặt truyền thống, tháng 8-2014, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Công an tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc tại ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc được xây dựng với các hạng mục, như: Bếp Hoàng Cầm, hầm bí mật, giao thông hào và nhà bia. Các hạng mục gắn bó mật thiết với nhau, nằm ẩn hiện dưới những tán rừng nguyên sinh, cạnh mọi nước trong đã tạo nên một di tích có giá trị.

Các hạng mục công trình được xây dựng nhằm tái hiện một cách sinh động quá trình hoạt động và chiến đấu của lực lượng Công an tỉnh trong kháng chiến chống ngoại xâm; đồng thời là sự tri ân và tưởng nhớ đến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nơi đây đã trở thành một “địa chỉ đỏ” gắn liền với lịch sử xây dựng và phát triển của lực lượng Công an tỉnh; là nơi tìm về của những chiến sĩ Công an tỉnh Bình Dương mỗi khi nhớ về đồng đội năm xưa. Sau này, hàng năm, Công an tỉnh thường tổ chức những chuyến về nguồn giáo dục cho thế hệ trẻ tại căn cứ này cũng như tổ chức lễ kết nạp đoàn, kết nạp Đảng đầy ý nghĩa.

Căn cứ Bàu Gốc là nơi gắn liền với lịch sử của ngành Công an tỉnh; là chứng tích oai hùng của thế hệ cha ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Lê Văn Phước cho biết với những giá trị lịch sử được chứa đựng và đang lưu giữ đến ngày nay, nhằm bảo vệ giá trị của di tích, năm 2017, căn cứ Bàu Gốc đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Căn cứ Bàu Gốc mãi là niềm tự hào của vùng đất và con người nơi đây, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng ý nghĩa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, căn cứ Bàu Gốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ Chiến khu Đ. Đây là nơi đứng chân của các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang của Trung ương, của tỉnh, huyện và du kích địa phương để xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện và chiến đấu, đồng thời là hậu phương vững chắc cho lực lượng cách mạng; từ đó, góp phần quyết định thắng lợi trên chiến trường Đông Nam bộ nói chung và chiến trường Thủ Dầu Một - Bình Dương nói riêng.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên