Về thăm ngôi miếu hơn trăm năm tuổi

Cập nhật: 28-12-2020 | 09:34:24

Miếu Bà Bình Nhâm (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) là một trong số ít miếu trên địa bàn tỉnh có tuổi đời hơn 100 năm còn nguyên vẹn sau hai cuộc chiến tranh. Từng chứng kiến ngày độc lập cũng như sự đổi mới của quê hương, đất nước, miếu Bà Bình Nhâm thực sự là một “chứng nhân” lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.


Miếu Bà Bình Nhâm là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo của người thợ
đất Bình Dương

Lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa

Trở lại miếu Bà Bình Nhâm khi miếu đang được sửa chữa tôn tạo, chúng tôi đã có dịp biết rõ hơn về những nét đẹp kiến trúc địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Đảm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An, miếu Bà Bình Nhâm được xây dựng vào năm 1914 nhờ sự chung tay đóng góp của bà con trong vùng để thờ Bà Chúa Xứ. Tương truyền, bà vốn là một người con của đất Bình Nhâm, do có nhiều công lao trong việc xây dựng quê hương nên khi bà mất, nhân dân đã lập miếu thờ để tưởng nhớ và xem bà là Bà Chúa Xứ. Ban đầu, miếu chỉ là một gian nhà đơn sơ, sau đó với sự đóng góp của nhân dân trong vùng, miếu được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, trong đó lần gần nhất là năm 2002 để miếu có diện mạo khang trang như hiện nay.

Miếu có kiến trúc tương đối đồ sộ, bố trí theo kiểu sắp đọi (các gian nhà song song và sát vách nhau, bao gồm gian võ ca và gian chính điện). Gian chính điện là nơi lưu giữ một số hiện vật gốc của miếu có tuổi đời lên đến cả trăm năm như các cột, vì kèo, hoành phi, câu đối chất liệu gỗ. Đây là nơi đặt án thờ Bà, các vị thần Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền. Gian võ ca được xây dựng bằng chất liệu xi măng cốt thép, mái lợp ngói ống. Nóc mái có đắp nổi hình thuyền, trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu. Ở các bờ nóc của miếu có hình tượng ông Nhật, bà Nguyệt được tráng men xanh và cá hóa rồng tráng men vàng. Nhà khách của miếu được xây dựng vào năm 1996.


Bên trong gian chính điện miếu Bà Bình Nhâm

Hàng năm, lễ hội cúng miếu Bà Bình Nhâm diễn ra từ tối ngày 13-8 đến trưa ngày hôm sau. Mặc dù lễ cúng ở miếu đơn giản hơn ở đình nhưng Ban quý tế đã làm rất trọng thể với các lễ An vị, lễ Túc yết và được mong đợi nhất là hát bóng rỗi và chặp Địa Nàng. Đến viếng miếu Bà Bình Nhâm vào các dịp lễ cúng, nhiều người đều công nhận rằng, đây là một ngôi miếu có kiến trúc đẹp, độc đáo, là sự kết hợp giữa gỗ và gạch ngói, giữa nghệ thuật chạm khắc cùng nghệ thuật đắp nổi, là sự kết hợp văn hóa giữa người Việt, người Hoa, giữa truyền thống và hiện đại, là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo của người thợ đất Bình Dương. Bởi, miếu có số lượng hoành phi, câu đối tương đối nhiều so với các miếu khác trong vùng.

Bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Ông Nguyễn Văn Đảm cho biết, tháng 2-2019, miếu Bà Bình Nhâm được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hiện miếu đang lưu giữ các hiện vật như: Chuông bằng đồng, trống lệnh, khay, mõ (bằng gỗ), bộ kinh khí bằng đồng, bộ kinh khí bằng gỗ, bức hoành phi bằng gỗ, 2 cặp câu đối bằng gỗ. Nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị tiêu biểu của miếu Bà Bình Nhâm, Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An đang tiến hành xây hàng rào và sơn mới một số hạng mục của di tích.

Theo bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, Ban nghi lễ miếu Bà Bình Nhâm có 15 người, trong đó trưởng ban là ông Phạm Văn Bao. Các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được kết tinh trong miếu Bà Bình Nhâm là những di sản vật thể và phi vật thể quan trọng, là tiềm năng chủ yếu trong khai thác, phát huy giá trị phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục văn hóa truyền thống. Vì vậy, hàng năm, Đoàn Thanh niên của phường đều tổ chức các đợt dọn dẹp vệ sinh khuôn viên miếu và sinh hoạt tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa; qua đó, khơi dậy trong các bạn trẻ tình yêu quê hương đất nước, ý chí phấn đấu, rèn luyện và học tập để chung tay xây dựng Bình Nhâm nói riêng, Bình Dương nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

“Để bảo vệ và phát huy một cách hiệu quả giá trị di tích, miếu Bà Bình Nhâm cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội đối với công tác tu bổ, phục hồi hạng mục kiến trúc của miếu; từ đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và của địa phương, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, bà Thủy nói thêm.

Với lịch sử hơn 100 năm tồn tại và phát triển, miếu Bà Bình Nhâm đã trở thành di tích chứa dựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được biểu hiện thông qua các di sản vật thể và phi vật thể hiện hữu trong miếu. Đó là thứ tài sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã hun đúc, gìn giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời. Bảo vệ và phát huy giá trị miếu Bà Bình Nhâm có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội hiện nay, thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, lấy đó làm cội nguồn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng năm, lễ hội cúng miếu Bà Bình Nhâm diễn ra từ tối ngày 13-8 đến trưa ngày hôm sau. Mặc dù lễ cúng ở miếu đơn giản hơn ở đình nhưng Ban quý tế đã làm rất trọng thể với các lễ An vị, lễ Túc yết và được mong đợi nhất là hát bóng rỗi và chặp Địa Nàng.

 THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1513
Quay lên trên