Về thăm Phú Giáo

Cập nhật: 21-06-2019 | 07:42:21

 Huyện Phú Giáo nằm ở phía đông bắc tỉnh Bình Dương. Thuở xa xưa, vùng đất này là nơi hoang vu thuộc Đồng Nai. Trong suốt chặng đường lịch sử, tổ chức hành chính của huyện Phú Giáo có nhiều biến động. Đến ngày 20-8-1999, Chính phủ quyết định tái lập huyện Phú Giáo với diện tích tự nhiên 543,78 km2, dân số 58.505 người. Bên cạnh thế mạnh phát triển về nông nghiệp, Phú Giáo còn có điều kiện để phát triển du lịch với các điểm di tích lịch sử, danh lam, các trang trại VietGAP...

 Thăm các di tích lịch sử  

Nói đến Phú Giáo nhiều người sẽ nhớ tới cây “cầu gãy” (cầu sông Bé). Cầu sông Bé nối liền hai xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo. Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch giao thông của chính quyền Sài Gòn. Cầu sông Bé được người Pháp xây dựng năm 1925. Suốt những năm tháng trước 1975, cầu sông Bé án ngữ con đường quân sự huyết mạch từ tỉnh Phước Long (cũ), thị trấn Đồng Xoài (nay là tỉnh Bình Phước) về Sài Gòn. Nơi đây thường xảy ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội ta với quân đội Việt Nam cộng hòa.

Năm 1975, nhằm chặn đường tiến quân của lực lượng giải phóng, phía quân đội Sài Gòn đã đánh sập nhịp giữa của cầu sông Bé. Từ đó, khu vực cầu sông Bé có thêm một “đặc sản” là “cầu... gãy nhịp”. Kể từ năm 1995, cầu sông Bé không còn sử dụng, được công nhận là di tích lịch sử.


Cầu gãy (cầu sông Bé cũ). Ảnh: CTV

Bình Dương đã xây dựng cây cầu mang tên Phước Hòa để người dân thuận tiện đi lại. Dù vậy, cây cầu gãy sông Bé vẫn được lưu giữ, không tháo dỡ, trở thành điểm du lịch thu hút du khách thập phương. Nhiều bạn trẻ thích mạo hiểm đến cầu chụp ảnh, tạo “lan tỏa” giúp nơi đây trở thành điểm “check in” của nhiều người. Hiện hình ảnh cây cầu gãy sông Bé xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội và nhiều người tỏ ra thích thú với những góc ảnh đẹp. Cây cầu gãy lịch sử này không chỉ là điểm vui chơi của du khách mà nhiều đoàn làm phim cũng đã tìm đến để ghi hình, dựng cảnh như phim Tèo Em, Đẻ mướn…

Đến Phú Giáo mà không nghé thăm Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành (khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh) là một điều thiếu sót. Dưới thời Ngô Đình Diệm, tỉnh Phước Thành được thành lập nhằm xây dựng nơi này thành một tiểu khu mạnh cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long, tạo thành một hệ thống căn cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu và Nam Tây nguyên, đồng thời ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam.

Vào ngày 17-9-1961, các chiến sĩ C80 của ta đồng loạt tấn công vào Dinh tỉnh trưởng và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chiếm đóng tại đây, tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn bị tiêu diệt tại chỗ. Chiến thắng này mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam: Từ thế bị động trên chiến trường, quân và dân ta dần chuyển sang thế chủ động, làm thất bại mọi âm mưu của Mỹ - ngụy, góp phần cùng với quân và dân miền Nam làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Hiện nay, Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành được sử dụng làm nhà truyền thống của huyện Phú Giáo. Đây là nơi giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào ngày 9-7-2004.

Du lịch tâm linh và trải nghiệm

Về Phú Giáo, du khách có dịp thưởng thức 2 món đặc sản điển hình của vùng đất này là bắp luộc và cá nhảy. Bắp luộc ở đây rất ngọt nên nhiều người khi đi ngang qua sông Bé đều ghé mua. Dần dần, hai bên bờ sông Bé hình thành những hộ dân chuyên sống bằng nghề luộc bắp bán. Còn cá nhảy sông Bé thì nấu măng chua rất ngon. Đây chỉ là khởi đầu của một chuyến hành trình về với thiên nhiên tại Phú Giáo.

Huyện Phú Giáo có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm trên địa hình đồi thoải lượn sóng và các dải đất hẹp ven sông Bé; đất có độ cao trung bình thấp và tương đối bằng phẳng. Đất Phú Giáo chủ yếu là đất bazan xám rất thích hợp với các cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu và các loại cây ăn quả. Riêng dải đất ven sông Bé là đất phù sa mới, trồng lúa và các loại rau đậu tốt. Đây là điều kiện rất thuận lợi để huyện phát triển nông nghiệp, hiện đây là ngành huyện đang có thế mạnh.


 Đến Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và chọn mua những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn tại đây

Đến nay, toàn huyện có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp huyện nhà phát triển theo hướng sản xuất lớn. Nổi bật trên địa bàn huyện có Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 411,75 ha. Từ khi hình thành vào năm 2008 đến nay, khu nông nghiệp công nghệ cao này, ngoài các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP còn phát triển nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc... Nơi đây đã đón tiếp nhiều khách hàng, du khách đến tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp và thưởng thức, mua các loại cây ăn trái sạch tại chỗ.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Phước Sang và Tân Hiệp, quy mô diện tích 471 ha.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao đang và sẽ là nơi thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trang trại áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Về du lịch tâm linh, đến Phú Giáo du khách không chỉ được ngắm nhìn không gian xanh, cổ kính mà còn có thể “gửi gắm” niềm tin, những điều ước trong cuộc sống khi đến chùa Bửu Phước - Di tích lịch sử cấp tỉnh (xã Phước Hòa), Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên…

Chùa Bửu Phước được nhà sư Từ Chí - Như Bình thuộc thế hệ thứ 41 dòng Chúc Thánh từ đất Quảng vào xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1908). Đây được xem là ngôi chùa sớm nhất ở Phú Giáo. Năm 1946, thực dân Pháp đốt chùa, năm 1954 chùa được xây dựng lại. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Bửu Phước còn là nơi nuôi, che giấu cán bộ và cũng là nơi hội họp của cơ sở cách mạng. Nhiều nhà sư yêu nước của chùa còn thoát ly vào Chiến khu Đ tham gia cách mạng và có người hy sinh khi làm nhiệm vụ (thầy Thiện Linh)...

Sau nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, chùa Bửu Phước vẫn còn lưu giữ được 2 cổ vật có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX, đó là tượng Phật Thích Ca bán thân bằng đồng và bức tượng đức Quan Công bằng gỗ. Năm 2005, chùa được trùng tu lại.

Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên (tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập) được khánh thành vào năm 2014, với diện tích trên 10 ha. Tỷ lệ cây xanh tại Thiền viện chiếm đến 70% tổng diện tích, giúp cho không khí tại đây trong lành. Đến đây, du khách như thấy mình đang sống hòa vào thiên nhiên quên đi những lo âu, vội vã của cuộc sống tất bật hàng ngày.

Hỗ trợ các thông tin về du lịch Bình Dương: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương. Địa chỉ: 239, đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Điện thoại: (0274) 3855636 Website: www.dulichbinhduong.org. vn. Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn

 KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1857
Quay lên trên