Viết tiếp những mùa xuân đại thắng - Bài 3: Vươn mình trong đổi mới
(BDO)
TP.Thủ Dầu Một đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ảnh: Q.CHIẾN
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, một hình mẫu phát triển công nghiệp của Bình Dương. Ảnh: Q.CHIẾN
Đổi mới toàn diện
Quay ngược thời gian trở về năm 1986, giai đoạn mà Đảng ta khẳng định: Đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Năm đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV chỉ rõ: Đại hội lần này là đại hội đổi mới cách suy nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, gắn bó với quần chúng, đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh.
“Từ khi có chủ trương đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sông Bé đã vận dụng sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh thực tế của địa phương; từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định dần tình hình kinh tế - xã hội và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà vươn lên mạnh mẽ cho Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997)”.
(Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhớ lại thời điểm đó Đảng bộ tỉnh xác định: Lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, tỉnh đã đề ra chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, mà trước tiên là vốn và vật tư. Với vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho nông nghiệp chiếm tới gần 21% trong tổng số vốn đầu tư thuộc khu vực sản xuất vật chất trong nhiều năm. Bên cạnh đó, cùng việc hoàn thành đưa vào sử dụng hàng chục công trình thủy lợi, nghiên cứu đưa vào đồng ruộng nhiều loại giống lúa mới có năng suất cao… đã đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ. Tỉnh ủy cũng sớm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chủ trương phát huy thế mạnh cây, con ở từng vùng, phát triển sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế, nhờ đó nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo ra nguồn hàng lớn có giá trị xuất khẩu.
Trong vòng 10 năm (1986- 1996), Sông Bé đã đạt những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, đến năm 1996, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng cây công nghiệp; toàn tỉnh có hơn 1.000 trang trại trồng trọt và chăn nuôi rất hiệu quả. Giai đoạn này cũng đánh dấu một bước phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Với chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư”, “Trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, Sông Bé đã mở được mũi đột phá xây dựng thành công Khu công nghiệp Sóng Thần, mở ra hướng phát triển các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp theo là hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp của tư nhân như Việt Hương, Bình Đường, Tân Định…
Song hành với phát triển công nghiệp là sự manh nha của các khu đô thị đang mọc quanh những khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt ở Bình Dương, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp được đa dạng với các hình thức Nhà nước, công ty cổ phần, tư nhân, liên doanh giữa công ty Nhà nước với tập đoàn kinh tế nước ngoài. Ông Hồ Minh Phương cho biết lúc này vấn đề đặt ra là quan ngại về định hướng phát triển “chệch” hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy yêu cầu đặt ra dù phát triển theo hướng nào cũng phải kiên định với mục tiêu đưa đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Và, với quyết tâm cao độ, Bình Dương thực hiện quá trình đổi mới với những kết quả ngoạn mục. Theo ông Hồ Minh Phương, sở dĩ giai đoạn này Sông Bé có mức tăng trưởng nổi bật về công nghiệp và dịch vụ là nhờ đa dạng hóa các nguồn đầu tư phát triển, tăng sức hấp thụ vốn, thu hút ngoại lực, huy động tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là việc đã đặt các doanh nghiệp vào vị trí được gọi là “chủ công”.
Đầu tư kết cấu hạ tầng
Điều cốt lõi để Sông Bé có thể phát triển nhanh chính là đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nói về vấn đề này, ông Hồ Minh Phương cho biết: Với điểm xuất phát là một tỉnh nông nghiệp bước vào công nghiệp hóa, thời điểm đó, mỗi năm Sông Bé dành 37% trong tổng chi ngân sách Nhà nước vào xây dựng cơ bản, gồm cải tạo, nâng cấp đường sá, mở thêm mạng lưới điện, bưu chính viễn thông, giáo dục... nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đồng bộ cho sự phát triển mạnh các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu và trang trại. Do đầu tư đúng mà “Mỗi đồng vốn của Nhà nước thu hút hơn ba đồng vốn xã hội”.
Ông Hồ Minh Phương nhớ lại: “Một lần khi Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đến thăm Sông Bé để khảo sát việc đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, ông ta nói: Quốc lộ 13 nhỏ thế này sao phát triển công nghiệp được? Câu nói đó khiến tôi đau đáu. Và, ngày 14-5-1996, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapoe tổ chức lễ động thổ thì sau đó (năm 1998), UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV - Becamex IDC (nay là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP) thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 theo phương thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Quốc lộ 13 - đoạn qua TP.Thủ Dầu Một với tên gọi đại lộ Bình Dương đã nhanh chóng được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng, mở ra huyết lộ giao thông đặc biệt quan trọng đối với tỉnh, tạo cơ sở đón nhận sự lan tỏa phát triển công nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh.
Trước chủ trương đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, phát huy tính chủ động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đưa Bình Dương trở thành “một hiện tượng đặc biệt”, một “điểm sáng” trong tiến trình đổi mới. (còn tiếp)
THU THẢO