Viết về những người mẹ kiên trung: Mẹ tự hào vì đã có những người con anh dũng

Cập nhật: 23-01-2016 | 11:32:04

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thăm mẹ Cao Thị Trưa (SN 1921) ngụ khu phố 1, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát. Ở tuổi 95, mẹ Trưa được sống trong tình thương yêu của con cháu và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng trí nhớ mẹ Trưa vẫn còn minh mẫn và mẹ đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện đầy xúc động trong những năm tháng đất nước còn bom đạn, về cuộc đời mẹ...

 Nhìn hình dáng hao gầy của mẹ Trưa, ít ai biết rằng, thuở xưa trong kháng chiến, mẹ từng có những chiến công rất đỗi tự hào. Mẹ kể rằng, thuở mười tám, đôi mươi, mẹ lập gia đình cùng ông Nguyễn Văn Đợt (SN 1917), một người đàn ông rất siêng năng công việc đồng áng. Chồng mẹ không những giỏi làm nông màcòn biết bốc thuốc nam, tối đến còn tích cực dạy “bình dân học vụ” cho người dân trong xóm. Cả hai vợ chồng sinh được 8 người con (3 người con trai và 5 người con gái). Khi Tổ quốc lâm nguy, như bao gia đình khác, 2 người con trai lớn của mẹ là Nguyễn Văn Liễu (SN 1945) và Nguyễn Văn Nhàn (SN 1950) đã lần lượt thoát ly gia đình theo cách mạng vàtham gia kháng chiến chống Mỹ.

Mẹ Cao Thị Trưa kể cho cán bộ văn hóa phường Thới Hòa nghe về cuộc đời mẹ và những người con anh dũng trong gia đình

Năm 1959, anh Nguyễn Văn Liễu gia nhập đội du kích xã Chánh Phú Hòa, rồi theo Tiểu đoàn Phú Lợi lập nhiều chiến công. Căm thù lũ giặc giày xéo quê hương nên anh Đường (tên thường gọi của Nguyễn Văn Liễu) chiến đấu rất anh dũng, xông pha trên nhiều trận chiến, được tín nhiệm làm tiểu đội trưởng và chiến công lớn nhất là bắn hạ máy bay địch ở Bưng Mọi (xã Chánh Phú Hòa). Với thành tích này, anh được tuyên dương danh hiệu anh hùng. Nhưng trước hôm nhận khen thưởng, anh đã trút hơi thở cuối cùng tại tòa án Bình Dương trong đợt tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Đau đớn khi nghe tin anh Đường hy sinh, ngày mùng 3 Tết Mậu Thân 1968, người con trai thứ năm, anh Nguyễn Văn Nhàn đã xin gia nhập Cục Quân báo của R (Trung ương Cục miền Nam). Cũng như anh Đường, anh Nhàn cũng chiến đấu rất gan dạ tại nhiều chiến trường ở An Điền, Thới Hòa và Củ Chi với chức vụ tiểu đội trưởng và xuất sắc nhận huy hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” tại Mỹ Phước. Nhưng chiến tranh lại một lần nữa cướp đi của mẹ người con trai ưu tú này. Năm 1974, mẹ nhận được giấy báo tử của anh Nhàn.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, lòng mẹ đau như ai xé, nhưng mẹ tự động viên mình tiếp tục sống, tiếp tục nuôi dạy các con còn lại nên người. Mẹ hiểu, đất nước chiến tranh thì không chỉ có mẹ mà còn nhiều người khác phải đón nhận nỗi đau mất người thân. Giờ đây, mẹ tự hào khi các con mẹ đã hóa thân vào đất với hồn thiêng sông núi.

Nghi ngờ gia đình mẹ có người theo cách mạng nên địch nhiều lần bắt bớ, tra khảo. Mẹ kể: “Chúng bắt mẹ lên đồn, tra khảo, đánh đập đủ kiểu nhưng mẹ nhất quyết không khai. Bất lực trước sự kiên cường của mẹ, chúng đành thả mẹ tự do trở về. Nhưng mỗi lần nghi ngờ thì chúng lại bắt lên đồn tra khảo tiếp. Cứ như vậy mẹ đã nhiều lần chết đi sống lại sau mỗi lần chúng trả về với gia đình”. Sự tàn nhẫn của kẻ thù không hề làm mẹ khiếp sợ. Chúng càng hung hãn, mẹ càng điềm tĩnh và tích cực giúp cách mạng nhiều hơn. Mẹ vẫn chèo đò đưa bộ đội qua sông Thị Tính, đào hầm nuôi giấu chiến sĩ và tiếp tế gạo, mắm, thuốc men… cho các anh. Noi theo gương mẹ, các con của mẹ cũng âm thầm tiếp tế cho bộ đội trong những lần chăn trâu ngoài đồng. Cống hiến của mẹ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Khi quê hương được giải phóng, đất nước thanh bình, mẹ động viên con cháu của mình phải sống có ích, làm những việc có lợi cho dân, cho nước để giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình cách mạng. “Mẹ rất mừng khi vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Danh hiệu này là niềm vinh dự lớn của gia đình, mẹ tự hào vì có những người thân hy sinh vì hòa bình độc lập”, mẹ tâm sự.

Trải qua những năm tháng vất vả, gian nan, giờ đây mẹ đã có cuộc sống an nhàn. Mẹ thấy mình còn may mắn hơn bao người phụ nữ khác, dù mất đi hai người con trai yêu quý, nhưng mẹ vẫn còn những người con hiếu thảo, được vui vầy, chứng kiến các cháu ngoan ngoãn, trưởng thành và được Đảng, Nhànước quan tâm. Gia đình mẹ được công nhận là “Gia đình cách mạng gương mẫu”, nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Hiện mẹ Trưa đang sống trong tình thương yêu của con cháu tại phường Thới Hòa. Mỗi dịp lễ, tết, đại diện chính quyền địa phương các cấp đã đến thăm hỏi, tặng quà và nghe mẹ kể chuyện về những ngày tháng của chiến tranh, về cuộc đời mẹ và về những người con liệt sĩ đầy tự hào của mẹ.

MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=668
Quay lên trên