Võ sư Hồ Tường: Người đưa môn võ lâm Tân Khánh Bà Trà bay xa

Cập nhật: 19-06-2021 | 10:09:51

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (TKBT) có nguồn gốc từ tỉnh Bình Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để có được “quả ngọt” như ngày hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ học trò, võ sư trong việc giữ gìn, phát triển môn võ này, trong đó có võ sư Hồ Tường. Ông là người con của quê hương Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên và đã gắn bó với môn võ lâm TKBT trong suốt mấy chục năm qua.


Võ sư Hồ Tường đang chỉ dạy cho các môn sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Con nhà võ

Võ sư Hồ Tường tên thật là Hồ Văn Tường, sinh năm 1954 tại ấp Khánh Thạnh, xã Tân Phước Khánh, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một xưa (nay là khu phố Khánh Thạnh, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên). Cha của ông là lão võ sư Hồ Văn Lành (còn gọi là võ sư Từ Thiện), là người đã mang môn võ lâm TKBT đến dạy cho những người ái mộ ở đất Sài Gòn.

Từ nhỏ, ông đã được cha mình trực tiếp truyền dạy những thế võ lâm TKBT đầu tiên. Ngoài cha mình, ông còn được võ sư Hồ Văn Thạch dạy võ thêm. Từ năm 1965, ông theo cha lên Sài Gòn sinh sống, đi học văn hóa và tiếp tục rèn luyện võ thuật ở võ đường Từ Thiện của cha mình. Vốn có truyền thống của người con xứ võ, ông hàng ngày đều đặn siêng năng tập luyện nên những thế võ cứ thấm dần rồi trở thành niềm đam mê lúc nào không biết. Vì có năng khiếu võ học nên việc học võ của ông tiến bộ rất nhanh. Khoảng một năm sau, ông đã phụ giúp cha mình trong việc huấn luyện cho các môn sinh ở võ đường Từ Thiện.

Sau khi đi học văn hóa về, ông thường phụ cha mình huấn luyện cho lớp môn sinh nhỏ, rồi đến lớp lớn hơn. Đến năm 1972, ông được cấp chứng nhận là huấn luyện viên. Từ đó, ngày ngày ông dốc sức cùng cha mình đào tạo, huấn luyện cho rất nhiều thế hệ môn sinh. Dưới sự truyền dạy tận tình của ông và võ sư Hồ Văn Lành, nhiều học trò của võ đường Từ Thiện đã đạt nhiều thành tích cao trên các võ đài trong và ngoài nước.

Giữ gìn và phát triển võ lâm TKBT

Võ sư Hồ Văn Lành là người dạy môn võ lâm TKBT cho con mình nhiều nhất, nên ông luôn mong võ sư Hồ Tường sẽ trở thành người tiếp nối sự nghiệp võ học của ông. Từ sau ngày giải phóng miền Nam, võ sư Hồ Văn Lành lui về làm cố vấn võ thuật là chủ yếu, còn việc trực tiếp đào tạo, huấn luyện cho anh em môn sinh ở võ đường Từ Thiện đều giao lại cho con trai mình là võ sư Hồ Tường.

Chia sẻ với chúng tôi, võ sư Hồ Tường cho biết sau giải phóng có một thời gian việc dạy võ bị chựng lại, nên ông tập trung đi làm bên ngoài nhiều hơn. Đến năm 1979, phong trào võ thuật được khôi phục trở lại, ông tiếp tục quay trở lại với việc huấn luyện môn võ lâm TKBT cho các thế hệ môn sinh. Từ đó đến nay, dù trải qua nhiều giai đoạn, nhưng ông vẫn luôn gắn bó với môn võ quê hương mà cha mình và thầy Hồ Văn Thạch đã truyền dạy cho. Bản thân ông luôn ý thức được trách nhiệm của người kế thừa môn võ truyền thống quê hương mình nên luôn giữ gìn, hết lòng truyền dạy cho các thế hệ đi sau.

Ngoài theo đuổi nghiệp võ, võ sư Hồ Tường còn là tiến sĩ chuyên ngành văn hóa dân gian. Hiện ông là giảng viên giảng dạy khoa Văn hóa Du lịch tại một số trường trung cấp, cao đẳng và đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Ông đã xuất bản rất nhiều sách nghiên cứu về võ học, trong đó có môn võ lâm TKBT và nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa.

Từ năm 1981 đến nay, võ sư Hồ Tường còn mở lớp dạy môn võ lâm TKBT ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh. Học trò của ông có rất nhiều độ tuổi khác nhau, từ trung niên, thanh niên cho đến thiếu niên. Hàng tuần, lớp võ TKBT do ông phụ trách vẫn duy trì đều đặn vào các tối thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Đến nay, bản thân ông đã đào tạo, huấn luyện cho bao thế hệ môn sinh ông cũng không nhớ hết, chỉ biết rằng, có nhiều học trò của ông sau đó đã trưởng thành, đứng ra mở lớp dạy môn võ lâm TKBT ở một số tỉnh, thành khác trong nước.

Võ sư Hồ Tường, cho biết: “Hiện nay, môn võ lâm TKBT đã và đang phổ biến tại các tỉnh, thành phố, như: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Tây Ninh, Nghệ An, Hà Nội… Các lớp võ lâm TKBT truyền dạy cho người học đủ kỹ thuật từ thấp lên cao, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện cho học viên kỹ năng thực chiến, giúp người tập tăng cường sức khỏe, có kỹ năng tự vệ cao” .

Năm 1989, võ sư Hồ Tường đã xây dựng đội cờ người tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.Hồ Chí Minh và được xem là người đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu loại hình cờ người sử dụng võ thuật trong khi thi đấu. Đội Cờ Người của môn võ lâm TKBT từng đi biểu diễn tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Trong quá trình truyền dạy võ thuật, từ năm 1995 - 2007, ông còn có sáng kiến mở lớp dạy võ miễn phí cho sinh viên nhằm tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe cho hàng ngàn sinh viên. Từ hè năm 2008, võ sư Hồ Tường tiếp tục mở lớp dạy võ miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Năm 2009, ông đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (Vietnam Records Book Center) xác lập kỷ lục “Người dạy võ miễn phí cho sinh viên lâu năm nhất Việt Nam”.

Trong quá trình hoạt động truyền dạy, phát triển môn võ lâm TKBT cho các thế hệ, bản thân ông từng được tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen về công tác bảo tồn văn hóa. Năm nay, võ sư Hồ Tường đã ở vào tuổi 67, nhưng ngày ngày ông vẫn không ngừng ôn luyện các thế võ và luôn trăn trở nghĩ về nền võ học Việt Nam, về việc làm sao để phát triển môn võ lâm TKBT ngày càng mạnh hơn, được nhiều người biết đến hơn. Là người kế thừa những bí kíp võ học từ cha mình và gánh trên vai trách nhiệm của môn phái, võ sư Hồ Tường vẫn miệt mài truyền dạy, tiếp lửa đam mê cho các thế hệ môn sinh. Bản thân ông cũng từng lặn lội đến nhiều địa phương ở TP.Hồ Chí Minh cũng như ở tỉnh Bình Dương để hỗ trợ mở các câu lạc bộ, lớp dạy võ lâm TKBT.

Đầu năm 2021 này, môn võ lâm TKBT đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Võ sư Hồ Tường chia sẻ: “Đây là một tín hiệu rất vui đối với những người gắn bó với môn võ này như bản thân tôi. Hy vọng, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có những giải pháp cụ thể để giữ gìn, lưu truyền môn võ này cho những người ái mộ ở Bình Dương. Và quan trọng nhất là làm sao để khôi phục lại môn võ “đả hổ” lừng danh này để nhiều người dân Bình Dương biết đến và tham gia tập luyện...”. Điều mà ông rất tâm huyết hiện nay đó là tích cực phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Dương để từng bước khôi phục lại môn võ lâm TKBT ngay tại vùng đất đã sản sinh ra nó.

“Môn võ lâm TKBT có nguồn gốc xuất phát từ tỉnh Bình Dương khoảng đầu thế kỷ XVII. Đó là môn võ của những người đi khai hoang mở đất, họ đã đến vùng đất Tân Khánh sinh cơ lập nghiệp và gầy dựng nên môn võ cổ truyền này. Dù không quá nổi tiếng, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, môn võ lâm TKBT đã có sức ảnh hưởng không nhỏ trong giới võ học cổ truyền Việt Nam”, (Võ sư Hồ Tường).

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên