Vươn mình trong kỷ nguyên mới- Bài 2

Cập nhật: 30-08-2024 | 07:38:25

Bài 2: Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong công cuộc đổi mới

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, làm nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Tạo dựng cơ đồ, tiềm lực

Có thể nói, tất cả những thành tựu trong suốt 79 năm qua, nhất là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đều bắt nguồn từ nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là việc vận dụng các bài học kinh nghiệm và phát huy mạnh mẽ tinh thần tiến công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tinh thần Cách mạng Tháng Tám luôn là nguồn động lực lớn lao, hun đúc ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng và nhân dân ta.

Bình Dương đang vững bước trên tiến trình xây dựng tỉnh nhà trở thành thành phố thông minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống. Trong ảnh: Thành phố mới vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm nhấn phát triển của đô thị Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước gần 40 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân.

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP…

Nếu xét về quy mô, nền kinh tế của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Có thể thấy rằng, từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng; GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD. Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì nay (năm 2023), GDP bình quân đầu người là 4.300 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Xuất khẩu năm 1990 chưa được 1 tỷ USD thì nay Việt Nam đã xuất khẩu được 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD... Những con số đó cho thấy tiềm lực và quy mô nền kinh tế của đất nước đã lớn mạnh hơn rất nhiều.

Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Bình Dương, một mô hình kiểu mẫu về phát triển công nghiệp của cả nước. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Nâng cao uy tín, vị thế

Từ khi bắt tay vào đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế của nước ta bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Cùng với đó, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 80 và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) vào năm 2023.

Chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng, cụ thể hóa trong từng chính sách phát triển. Điều này đã giúp cho văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao…

Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quốc tế. Quan hệ ngoại giao không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới… Không chỉ tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như ASEAN, APEC…, Việt Nam còn hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế tại các cơ chế quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO…

Điều này cho thấy, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất cao; đồng thời thể hiện rõ quan điểm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” mà Đảng ta đã khẳng định…

79 năm qua, tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn là nguồn động lực, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới; cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm thực hiện và bảo vệ vững chắc thành quả của sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

(Còn tiếp)

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=50
Quay lên trên