Vượt khó, xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong dịch bệnh - Kỳ 2

Cập nhật: 13-10-2021 | 09:22:39

Kỳ 2: Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

 Để khôi phục kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”, Bình Dương xác định việc hỗ trợ để doanh nghiệp (DN) tái sản xuất, kinh doanh, giữ vững chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu là những vấn đề mấu chốt, ưu tiên thực hiện.

 Các doanh nghiệp gỗ đang tăng tốc sản xuất, bảo đảm những đơn hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty DAFI (TX.Tân Uyên)

 Nắm bắt thuận lợi từ thị trường

Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tình hình kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ từng bước hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh. Các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường truyền thống. Trong đó, Mỹ chiếm 34,6%, Hàn Quốc chiếm 11,2%, các thị trường khối EU chiếm 9,7%, Nhật Bản chiếm 8,8%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,5%...

Với cộng đồng DN, đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất khi phải đối mặt với đại dịch. Tuy vậy, nhiều DN vẫn cố gắng trụ vững và hy vọng khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Ông Adrian Sua, Giám đốc điều hành Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (TP.Thuận An), cho biết khi dịch bệnh được kiểm soát, DN cố gắng hoạt động trở lại để phục hồi kinh tế bằng việc thay đổi cách thức làm việc, linh hoạt thích nghi với điều kiện hiện tại, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì chuỗi cung ứng.

Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc sản xuất Công ty DAFI (TX. Tân Uyên), cho biết đơn hàng của ngành gỗ đang rất dồi dào, công ty đã đầu tư trang thiết bị, sắp xếp nhà máy theo đúng quy định, hướng dẫn để phòng, chống dịch bệnh. Xác định “sống chung với dịch”, công ty đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài, tổ chức sản xuất an toàn trong nhà máy. Để thích ứng với quy trình vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh thời gian tới, DN tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành để bảo đảm an toàn sản xuất, hoàn thành các đơn hàng bị trễ do ảnh hưởng dịch bệnh.

Bảo vệ sản xuất

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện cho từng bước mở cửa lại các hoạt động kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh của DN theo nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”. Theo dõi tình hình dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu của các DN tham gia bình ổn thị trường để kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân. Kịp thời thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thành lập tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để nhanh chóng nắm bắt, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các DN, hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp, kịp thời tham mưu các chương trình, kế hoạch, giải pháp hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Hiện Ban Quản lý các KCN tỉnh đã có hướng dẫn ban đầu để DN triển khai hoạt động y tế tại nhà máy. Trước hết, yêu cầu DN thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Người sử dụng lao động phải cam kết với người lao động và chính quyền địa phương về cách thức hoạt động, quyền lợi của người lao động khi tham gia sản xuất trở lại. Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết các cơ quan liên ngành cũng sẽ thường xuyên giám sát để hỗ trợ DN. Các địa phương cũng sẽ tăng cường các trạm y tế lưu động ở khu, cụm công nghiệp để luôn sẵn sàng hỗ trợ DN khi xảy ra dịch bệnh.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, tập trung 5 nhóm nhiệm vụ chính: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình. Bình Dương sẽ mở theo từng bước tiếp tục tăng 30 - 50 - 70% cho đến khi hoàn thiện được 100%, nền kinh tế của tỉnh mới hồi phục. Muốn đẩy mạnh xuất nhập khẩu, phải hỗ trợ DN theo tiêu chí “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên