Xây dựng gia đình bền vững

Cập nhật: 28-06-2011 | 00:00:00

 Ba là cây nến vàng

Mẹ là cây nến xanh

Con là cây nến hồng

Ba ngọn nến lung linh

Thắp sáng một gia đình

Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình hạnh phúc. Lời bài hát đã lắng đọng một hạnh phúc thật bình dị, với cả 3 thành viên cùng góp tay xây dựng nên đã một thời tạo được sự đồng cảm và yêu thích của nhiều người.

 Xây dựng gia đình bền vững, ấm no, hạnh phúc vừa là động lực vừa là mục tiêu hướng đến xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, tiến bộ. Vì thế, cách đây 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp để các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình cùng nâng cao trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có bền vững thì xã hội mới ổn định, phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh, hạnh phúc ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đó là những giá trị của gia đình truyền thống đang bị thử thách bởi những mặt trái từ cơ chế thị trường.

 Thắp lên trăm ngọn nến hồng/ Hòa chung nhau tiếng tơ đồng đi em. Lời thơ thật đẹp như chính sự đồng lòng, hợp sức trong xây dựng tổ ấm của tình yêu. Chúng ta cũng cảm nhận được “Hạnh phúc làm sao khi thấy em cười/ Em sung sướng thì lòng anh sung sướng”. Còn gì hạnh phúc hơn khi có người biết hy sinh cho tình yêu như vậy. Khi 2 người yêu nhau không chỉ nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng. Về lý tưởng  là vậy, nhưng  không ít gia đình rạn nứt vì đụng chạm với chuyện cơm áo gạo tiền thì “hai trái tim vàng” kia sẽ bắt đầu lung lay trong “túp lều tranh lý tưởng” ngày nào. Ngày nay, một số đạo lý truyền thống cũng bị ảnh hưởng do văn hóa thực dụng xâm nhập vào gia đình. Mãnh lực của đồng tiền đã làm cho đạo đức xuống cấp ở một bộ phận thành viên trong gia đình như huynh đệ tương tàn vì tranh chấp đất đai, của hồi môn. Thậm chí, có trường hợp, con kiện cả cha mẹ để đòi phân chia tài sản...

Mặt khác, chính sự thiếu tôn trọng nhau cũng là mồi ngon cho sự tan vỡ hình thành. Sự thiếu tôn trọng cũng tồn tại dưới nhiều hình thức: thói gia trưởng, bảo thủ, bạo lực gia đình và cả tệ nạn xã hội. Một nguyên nhân khá phổ biến gây nên rạn nứt một số gia đình hiện đại đang đối mặt, khi xuất hiện quan niệm, ai làm ra tiền nhiều người đó toàn quyền quyết định “phát ngôn” trong gia đình. Vì thế, chuyện chồng xem thường vợ con vì “không có tao, mẹ con mày chết đói” là câu nói cửa miệng theo kiểu này. Đôi khi ngược lại, vợ là chủ hầu bao cũng thường xuất hiện những câu nói tương tự. Một số tệ nạn như rượu chè bê tha, bài bạc... cũng là những nguyên nhân gây nên sóng gió cho gia đình. Từ đây mới có chuyện hài hước rằng, tình yêu của chàng và nàng có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Anh nói em nghe, giai đoạn thứ hai: Em nói anh nghe và giai đoạn thứ ba: Cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe! Khi ấy, nguy cơ “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” đã gần lắm rồi.

Hôn nhân như một khu vườn đẹp. Nó đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc thường xuyên. Nếu được trông nom, nó sẽ nở rộ, còn nếu bị bỏ mặc nó sẽ héo mòn và chết. Vì thế, để giữ được tổ ấm, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình phải luôn tôn trọng các chuẩn mực gia đình. Đó là sự thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, biết kính trên nhường dưới, biết lắng nghe và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Đặc biệt là biết cách hài hòa giữa những chuẩn mực truyền thống và hiện đại từ những điều nhỏ nhặt  như, biết coi trọng các bữa cơm gia đình, biết hy sinh những thói quen nhỏ vì lợi ích chung của gia đình (bớt nhậu sau chiều tan sở để về với vợ con, bớt “tám” ở nhà hàng xóm dành thời gian chăm sóc nhà cửa...). Đặc biệt, dân gian có câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình luôn được đề cao vì “phía sau sự thành công của người chồng luôn thấp thoáng hình bóng của người vợ”. Vì thế, mỗi khi có bất hòa, các bà vợ đôi khi cũng phải biết “nhường một bước” để hy sinh cho “đường dài”. Dẫu kinh tế có khó khăn vẫn luôn biết cách: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Có người nói: “Căn nhà chưa hẳn là tổ ấm. Cơ ngơi dù khang trang đến đâu, nếu bạn không cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương... nó sẽ lạnh lẽo như một nơi cư trú. Vì thế, tổ ấm là nơi bạn được gần gũi, được ôm chặt khi thành công, được vỗ về khi thất bại”.

DÂN THƯỜNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên