Du khách đến lấy nước tại trạm tiếp nước.
Tăng trưởng của ngành du lịch, công nghiệp đã góp phần vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng cũng tạo nên áp lực lớn cho môi trường.
Nhằm góp phần xây dựng Huế trở thành một điểm đến xanh lý tưởng, Ủy ban Nhân dân thành phố và Dự án Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hành động cụ thể hướng đến thay đổi thói quen của người dân, du khách.
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Vài năm trở lại đây, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, phường An Đông, thành phố Huế, không còn thói quen gộp chung các loại rác thải vào một túi. Thay vào đó, những lá cây héo úa, thức ăn thừa được chồng bà ủ thành phân bón sinh học để chăm cho các gốc cây trong vườn.
Các chai, hũ nhựa sau khi sử dụng hết, bà Oanh tận dụng lưu trữ các loại hạt, vật phẩm trong gia đình. Nhờ đó, hai cháu của bà dù còn nhỏ nhưng đã sớm học được cách phân biệt chất liệu và phân loại các loại rác thải.
Bà Oanh chia sẻ từ những thói quen này, lượng rác thải của gia đình bà mỗi ngày giảm đi đáng kể, mùi hôi từ các túi rác không còn nữa. Việc phân loại rác tại nhà cũng giúp bà giảm được thời gian phân loại rác khi tập kết tại các thùng lưu chứa tập trung trong khu vực.
Toàn thành phố Huế hiện nay có gần 470 thùng lưu chứa, phân loại chất thải rắn được lắp đặt tại 156 điểm công cộng. Bên cạnh các trường học, khu dân cư đến các trung tâm phố đi bộ, khu phố Tây đều xuất hiện những thùng lưu chứa được sơn màu, chú thích và chỉ dẫn hình ảnh để học sinh, người dân, du khách dễ dàng phân loại rác.
Ước tính mỗi ngày thành phố Huế phát sinh hơn 407 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, rác thải nhựa chiếm hơn 15,4% và là mối đe dọa nguy hiểm đối với môi trường cũng như sức khỏe con người trên địa bàn. Vì thế, Dự án Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tài trợ đã triển khai nhiều hành động nhằm vào nhóm chất thải này.
Bằng việc lắp đặt các trạm tiếp nước tại một số điểm di tích, du khách được khuyến khích đem theo bình nước cá nhân để lấy nước uống thay vì mua, sử dụng các chai nước giải khát bằng nhựa. Đây là nội dung chính mà Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa do thành phố Huế và Dự án xây dựng để hướng đến tuyên truyền rộng rãi.
Sau khi đưa vào sử dụng, các trạm tiếp nước đều nhận được các phản hồi tích cực từ du khách bởi chất lượng nguồn nước an toàn, sự tiện lợi, thân thiện môi trường của mô hình.
Chị Lê Thị Tuyết Vân, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay mô hình thật sự hữu ích, giúp du khách tiết kiệm chi phí. Thay vì mua nhiều chai nước giải khát, du khách có thể lấy nước hoặc uống trực tiếp tại vòi. Chị sẵn sàng cầm theo bình nước cá nhân để sử dụng nước tại đây và ủng hộ việc nhân rộng các trạm tiếp nước này.
Thói quen phân loại rác thải hay hạn chế sử dụng rác thải nhựa có ý nghĩa lớn đối với thành phố Huế khi không chỉ góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường mà còn giảm được các chi phí trong thu gom rác thải và cải thiện được mỹ quan đô thị.
Nâng tầm giá trị du lịch Cố đô
Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế được xác định bám sát với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Huế là đô thị trung tâm của tỉnh, với nhiều lợi thế khi sở hữu Quần thể Di tích Cố đô Huế, cảnh quan thiên nhiên sông Hương, núi Ngự… Do đó, phát triển du lịch xanh “vùng lõi” thành phố sẽ tác động tích cực và nâng tầm giá trị chung cho ngành Du lịch.
Những bức tranh bích họa tại bãi biển Thuận An, điểm check in trong khu phố Tây ở thành phố Huế, thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh. Đó là cách Dự án Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam mong muốn tạo sự chú ý, thay đổi dần các thói quen sử dụng đồ nhựa từ giới trẻ. Bằng những hình ảnh sinh động, thông điệp rõ ràng, các bạn trẻ có thể ghi nhớ, thực hiện những hành động nên, không nên để góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một thành phố Huế xanh.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc, sau giai đoạn COVID-19, nhu cầu về du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng đến chất lượng trị liệu tinh thần ngày càng tăng lên. Tỉnh đã và đang xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, phù hợp, tập trung chủ đề du lịch xanh như nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái gắn với suối thác, đầm phá; du lịch cộng đồng…
Bên cạnh đó, việc thành phố đưa vào hoạt động các trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng, không chỉ cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích cho du khách mà còn góp phần giảm lượng khói bụi tác động đến môi trường. Các loại hình sản phẩm này đem đến sự gắn kết giữa du khách với không gian xanh, môi trường lành mạnh của Cố đô Huế.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, cho biết thời gian tới, Dự án tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tuyên truyền phổ biến Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa sử dụng một lần ở các điểm di sản, di tích trên địa bàn để sớm hoàn thành mục tiêu giúp thành phố giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường trong năm 2024 và tiến đến trở thành điểm đến di sản không rác thải nhựa.
Ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn để thu hút du khách. Việc xây dựng môi trường xanh và chất lượng du lịch có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau, chỉ với một hành động nhỏ giảm nhựa, người dân và du khách sẽ là những “đại sứ” thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, việc giải quyết các thách thức từ rác thải nhựa cũng là một trong những điểm mấu chốt làm tăng giá trị ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế và tạo hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế, nhất là trong bối cảnh du lịch xanh đang trở thành xu thế chung./.
Theo TTXVN