Xây dựng thương hiệu du lịch địa phương

Cập nhật: 01-03-2011 | 00:00:00
Nếu không có thương hiệu của từng điểm đến thì không thể xây dựng thương hiệu quốc gia. Thương hiệu du lịch sẽ chẳng ở đâu xa mà ở chính tài nguyên thiên nhiên đã có sẵn ở từng địa phương. Ngày 28-2 đến 1-3, tại TP Huế, Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các chuyên gia của Singapore tổ chức Hội thảo quốc tế Xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.Chọn di sản hay chọn du lịch xanh?Vốn dĩ Huế là nơi được đánh giá là hấp dẫn nhất về du lịch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng du khách quốc tế bắt đầu giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân ở chỗ du lịch Huế có nhiều sản phẩm nhưng lại chưa biết đâu là sản phẩm du lịch chính để chọn làm thương hiệu, tạo nên sự khác biệt.Từ trước đến nay, gói sản phẩm du lịch của Huế đưa ra rất chung chung, đó là du lịch gắn liền với quần thể di tích, du lịch sinh thái, du lịch biển… Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa Huế, di sản Huế mới chính là điểm nhấn của thương hiệu du lịch.“Huế có nhiều tiềm năng mà ở các thành phố khác không có được, đó chính là kinh thành Huế, hàng trăm ngôi chùa Phật, các ngôi làng cổ, sông Hương… Những tiềm năng du lịch của Huế hiện được khai thác vẫn chỉ ở mức để bán chứ không phải là khai thác về nội dung thực sự. Ví như Điện Thái Hòa, hiện nay chỉ mới khai thác phần xác chứ chưa nói lên được phần hồn. Những chuyện gì đã xảy ra ở Điện Thái Hòa mới là vấn đề du lịch cần khai thác” - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói.Cũng theo ông Xuân, hiện Huế còn rất nhiều di sản về các nhân vật lịch sử như vua Bảo Đại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… mà vẫn chưa được ngành du lịch quan tâm đúng mức.Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Charles Chow, chuyên gia người Singapore, cho rằng: “Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề di sản Huế, hiện cũng có những nghiên cứu về di sản. Huế có quá nhiều di sản, làm thế nào xuất khẩu di sản văn hóa đó đến thế giới? Chúng ta có thể sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin đại chúng hay triển lãm ở nhiều nước trên thế giới để quảng bá di sản… Như vậy sẽ cuốn hút du khách”.Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Tô Nhuận Vỹ, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Huế, nếu du lịch chỉ gắn liền với di tích thì du khách sẽ không chọn Huế mà chọn những nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Hoặc du khách sẽ chỉ đến một lần mà không quay trở lại.Đưa ra những gì khách thíchÔng Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng vấn đề tìm thương hiệu du lịch cho từng địa phương là hoạt động lâu nay mà ngành du lịch Việt Nam rất quan tâm.Ở cấp độ quốc gia phải xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh riêng cho Việt Nam trong lòng du khách. Tuy nhiên, muốn có thương hiệu của Việt Nam thì phải có được các thương hiệu của điểm đến, của từng địa phương. Nếu không có thương hiệu của từng điểm đến thì không thể xây dựng thương hiệu quốc gia.Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, thương hiệu không nằm trong mắt chúng ta mà thương hiệu nằm trong cảm nhận của du khách. Tìm được điểm độc đáo nổi bật nhất không phải là dễ. Thêm nữa, vấn đề quan trọng không phải là chúng ta có gì mà phải để ý đến việc khách họ cần điều gì. Họ nhìn nhận sản phẩm như thế nào và có quyết định đến với điểm đến không.Bàn về vấn đề này, một doanh nghiệp lữ hành nhận định: “Tiềm năng du lịch chưa chắc đã là sản phẩm du lịch. Chúng ta không thể ôm tham vọng, đưa ra một gói sản phẩm nhưng lại để đạt được cho tất cả nhu cầu. Chúng ta phải rà soát lại những tiềm năng. Xem lại đối tượng khách và nhu cầu của khách. Thương hiệu là thị trường thì không phải là vĩnh viễn, khi thị trường thay đổi thì thương hiệu cũng phải thay đổi”.Theo Pháp luật TPHCM
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=390
Quay lên trên